Ts.Putra Podam trả lời rfa-Đài Á Châu Tự do

Written by Ban Biên tập
In category Tin tức
Sep 12, 2024, 7:20 PM

Thưa ông: Cho biết tình hình tôn giáo của người Chăm như thế nào? một số người cho rằng nhà nước xóa bỏ tôn giáo Bani của người Chăm, điều đó có đúng không?

Học giả nói không có tôn giáo Bani

 Giáo sư tiến sỹ Văn Ngọc Sáng (tên Chăm là Putra Podam), người từng có 22 năm giảng dạy toán học và khoa học máy tính tại trường Đại học Tây Nguyên và có nhiều bài viết về lịch sử, văn hoá, ngôn ngữ và tôn giáo của người Chăm trên trang điện tử Kauthara.org- bảo tồn tiếng nói và chữ viết Chăm, lại có ý kiến khác.

Ông nói người Chăm (hay tổ tiên người Chăm) không có tôn giáo của riêng mình mà chỉ tiếp thu hai nền tôn giáo lớn trên thế giới. Đạo Hindu (Balamon) du nhập từ Ấn Độ vào nước Champa từ thế kỷ thứ 2 (năm 192) và trở thành quốc giáo cho đến thế kỷ thứ 15 (năm 1471), còn đạo Islam (tiếng Việt: Hồi giáo) được du nhập từ thế giới Ả Rập và thế giới Melayu từ thế kỷ thứ 10 và Islam trở thành quốc giáo từ thế kỷ thứ 16 cho đến thế kỷ 19 (năm 1832).

Ông nói Bani không phải là một tôn giáo. Ông giải thích:

“Thật ra các định nghĩa từ Bani nó tương đương với từ đạo của tiếng Việt, tôn giáo trong tiếng Hán, và religion của tiếng Anh mà thôi chứ không phải Bani là tôn giáo tên Bani.”

Ông cho biết hiện nay, cộng đồng người Chăm ở Việt Nam theo hai tôn giáo chính là Bà-la-môn (ảnh hưởng Hinduism) và Hồi giáo (Islam) theo Danh mục tôn giáo của Ban Tôn giáo Chánh phủ.

Theo thuật ngữ tôn giáo của người Chăm thì các chức sắc Chăm hiện nay gọi là:

- Islam hay Java (tín đồ theo Hồi giáo Islam hay Hồi giáo chính thống).

- Awal (Hồi giáo dòng Awal hay Hồi giáo Champa) mà người dân đang gọi “Hồi giáo Bani”, tín đồ Awal chỉ thờ Đấng Po Allah duy nhất mà đại diện là tầng lớp Acar (giáo sĩ).

- Ahier (Hồi giáo mới hay Hồi giáo ảnh hưởng văn hóa bản địa Champa), vì tín đồ Ahier hiện nay chỉ tôn thờ Đấng Po Allah duy nhất và tôn kính các bậc vua chúa, ông bà tổ tiên và nhiệm vụ chăm sóc đền tháp Champa, thực tế tín đồ Ahier không còn tôn thờ tam vị thần Trimurti của Ấn giáo như: Brahma, Vishnu và Shiva.

Chưa bao giờ người Chăm có đạo Bani, kể cả thời pháp thuộc, chế độ Việt Nam Cộng hoà trước kia và nước Việt Nam hiện nay, vị giáo sư định cư ở California (Hoa Kỳ) khẳng dịnh.

Theo ông, biện hộ của những người Chăm không muốn mình bị gọi là Hồi giáo không phản ánh đúng thực tế.

Tôn giáo là những cái khái niệm về quan niệm liên quan đến thần thánh, liên quan tới đấng tạo hóa, liên quan tới giáo lý giáo luật và liên quan đến hệ thống tôn thờ của nó.

Tín ngưỡng là niềm tin của con người được thể hiện thông qua những lễ nghi gắn liền với phong tục, tập quán truyền thống để mang lại sự bình an về tinh thần cho cá nhân và cộng đồng.

“Lễ tổ nghề (Giỗ tổ nghề gốm Chăm, lễ nghề dệt cổ truyền thống Chăm), lễ cầu mưa thuận gió hòa, lễ bến nước, lễ cầu đảo,  lễ Nghinh Ông, lễ phồn thực (Linga - Yoni), lễ hội phồn thực (Rija Nagar), lễ Rija Praong, lễ Rija Harei, lễ Rija Malam, lễ tưởng nhớ tổ tiên, lễ báo phước (ndam Phuel), lễ báo hiếu tổ tiên (Muk Kei - gia tiên), lễ thờ thần (Po Patuw Ging - Thần Táo), lễ thờ Ciét Praok (Praok Patra); lễ thờ Thành Hoàng như: đền Po Kraong Kachait (Po Klaong Kasat); đền Công chúa Bàn Tranh (Po Sah Ina); đền Po Nit (Po Mathik Dhik); đền Po Jaiparan, … tất cả những cái đó là tín ngưỡng chứ không phải là tôn giáo. Họ đang nhầm lẫm khái niệm giữa tín ngưỡng và tôn giáo; giữa văn hóa và đức tin”.

Theo ông, việc có một số người Chăm không muốn nhận mình là Hồi giáo một phần có sai từ chính quyền hiện nay. Trước năm 2017, khi làm chứng minh nhân dân hay các giấy tờ khác, người Chăm có thể khai ở mục tôn giáo là Hồi giáo, Hồi giáo Bani hay là đạo Bani thì phía công an chấp nhận hết (mặc dù ghi không đúng trong Danh mục tôn giáo của Ban Tôn giáo Chính phủ).

Tuy nhiên, từ năm 2021, khi chính phủ ban hành Căn cước Công dân có gắn chip để phù hợp với tình hình mới, không có mục tôn giáo và dân tộc, nên họ cho rằng Chính phủ đã xóa tôn giáo Bani và dân tộc Chăm trên Căn cước Công dân, ông nói.

Một số cá nhân đã lợi dụng việc này để kích động, lôi kéo những tầng lớp phụ nữ (gọi là mẫu hệ để lên tiếng), nhiều người học thức thấp, nhẹ dạ cả tin, …nói Nhà nước Việt Nam đàn áp tôn giáo khi loại bỏ đạo Bani, nhưng Bani vốn chưa từng được công nhận, giáo sư Sáng nói.

 

LINK: Liên kết liên quan

Nguồn rfa: Người Chăm cảm thấy bị phân biệt đối xử khi tôn giáo Bani …

Audio: nghe đài người Chăm nói về tôn giáo