Theo các nhà nghiên cứu Tây Phương, người Chăm đã sử dụng một loại chữ viết khá sớm để tạc khắc chữ trên các bia đá. Chữ viết này có nguồn gốc từ chữ cái Devanagari (Ấn Độ). Trong thời kỳ đầu, người Chăm chủ yếu dùng chữ Chăm cổ để khắc tiếng Phạn, dần dần người Chăm hoàn thiện chữ viết này sử dụng để khắc tiếng Chăm. Akhar Thrah là chữ viết phổ biến nhất và trở thành chữ viết chính thức của vương quốc Champa từ thế kỷ 17, ngoài được khắc trên Tháp Po Rome, chữ viết này còn được viết tay và sử dụng rộng rãi trong mọi lĩnh vực từ ban giao quốc tế, hành chánh, tôn giáo, lịch sử, văn học Chăm,…Ngoài ra, người Chăm còn dùng chữ Hán được tìm thấy trên các con dấu hay trên các văn kiện liên quan đến triều đình Nhà Nguyễn. Song song thời kỳ này, người Chăm còn dùng chữ viết Ả Rập hay chữ Jawi Chăm để ghi kinh thánh của các bậc Chăm Awal như Po Acar, Katip, Imam,…Để bảo tồn, phổ biến cũng như hỗ trợ dạy và học chữ viết Chăm Thrah được thuận lợi, hiện nay cộng đồng Chăm, đa số cán bộ, sinh viên và trí thức Chăm đã sử dụng chữ viết Rumi Chăm EFEO để phiên tự hay phiên âm cho các tác phẩm văn học cũng như sử dụng trong giao tiếp hàng ngày. Trong bài viết này tôi xin giới thiệu “một số kiểu viết sử dụng akhar Hayap hay akhar Thrah”
1. Một số kiểu viết
Trong giai đoạn phát triển chữ viết Chăm, ngoài hai chữ viết chính thức là akhar Hayap và akhar Thrah, người Chăm còn sử dụng một số phong cách viết hay kiểu viết khác nhau dựa vào hai chữ viết trên. Đó là akhar Atuel, akhar Rik, akhar Yok. (akhar Atuel, akhar Rik, akhar Yok không phải là chữ viết, mà là cách viết hay kiểu viết xuất hiện trong akhar Hayap hay akhar Thrah Chăm).
1.1 Akhar Atuel (chữ viết treo)
Theo tự điển A.Aymonier, Atuel được định nghĩa là:
- Suspender, accrocher. – atuel bruei tangi: accrocher un anneau à l’oreille
- Ve. Contracte’. – akhar atuel: écriture contractée
Theo tự điển Moussay: “akhar atuel” có nghĩa là chữ viết tắt.
Theo chúng tôi, “akhar Atuel” là một kiểu viết thường thấy trên akhar Hayap (chữ viết Chăm cổ) hay trên akhar Thrah (chữ viết truyền thống hay phổ thông). Quan sát akhar Atuel ta thấy, phụ âm sau viết tiếp nét cuối của phụ âm đầu hoặc phụ âm sau viết tách rời và đặt bên dưới phụ âm đầu. Ở một số từ nhiều âm có thể thấy treo (atuel) hai hay ba tầng.
Do đó, akhar Atuel không phải là chữ viết mà là khái niệm chỉ phong cách viết hay kiểu viết. Trong một văn bản akhar Atuel không phải viết từ đầu đến cuối mà chỉ sử dụng ở một vài phụ âm cần thiết. Xem phong cách viết akhar Atuel trong tự điển E. Aymonier & A. Cabaton trang 12 ở Hình 1.
Hình 1. Akhar Atuel. (E. Aymonier & A. Cabaton, Dictionnaire cam – franҫais)
Quan sát akhar Hayap trên bia đá Biên Hòa ở Hình 2, trong cổ tự này có sử dụng phong cách viết akhar Atuel ở một vài ký tự.
Hình 2. Akhar Hayap (Antoine Cabaton, L'inscription Chăm tại Bien-Hoa)
Nội dung bia đá (Antoine Cabaton)
- | svasti | pu pō ku nan sūnnu
- yāṅ pō ku çrī Jaya Siṅhavarmmadeva
- uraṅ Ṅauk glauṅ vijaya paripāla rāṣṭra sei tmū
- jaya di nagara Yvan maudyāṇna gulāc tok nagara
- Braḥ Kāda nī yuddha aneka sei tmū gulāc jē nagara Ca
- mpa di çaka loka saṣṭārthānalaḥ ṇdapaḥ pakrattha (?) Tri
- Bhavanākrānta nī ṅan vijitta sa trā si sei tmū jaya di Kvīr
- Tmū vuḥ bhogo-pabhoga yathā deva liṅga vukān rei sei jmai tmū
- Jē nagara Kvīr jē nagara Campa sadākāla.
Quan sát hai dòng trên cùng ở bia đá Biên Hòa, Hình 2, trong cổ tự này có sử dụng phong cách viết akhar Atuel ở một vài ký tự như liệt kê ở Hình 3.
Hình 3. Akhar Atuel: suasti và siṅhavarmma (Putra Podam)
Quan sát chữ “suasti” ở Hình 3 bên trái, phụ âm "sa" thứ hai bên phải là akhar matai vì phụ âm này là akhar Atuel của phụ âm "ta".
Tương tự chữ “siṅhavarmma” ở Hình 3 bên phải, ta thấy phụ âm “ra” ở trên cùng Atuel phụ âm “ma” ở tầng 2, phụ âm “ma” này lại Atuel phụ âm “ma” ở tầng dưới cùng. Như vậy ở đây có ba tầng phụ âm và hai lần Atuel.
Trong hệ thống Sanskrit phụ âm Atuel là phụ âm matai.
Lời Kết
Qua sự phân tích trên cho thấy, akhar Atuel không phải là chữ viết Chăm mà là một cách viết hay phong cách viết rất độc đáo thường sử dụng chữ viết akhar Hayap hay akhar Thrah để thể hiện. Ngoài kiểu viết akhar Atuel, người Chăm còn dùng các kiểu chữ khác như akhar Rik, akhar Yok tùy theo mục đích sử dụng.
Các kiểu chữ viết akhar Atuel, akhar Rik, akhar Yok đóng vai trò quan trọng tùy theo từng thời kỳ lịch sử chữ viết. Các kiểu chữ viết đã làm phong phú cho kho tàng văn hóa và di sản chữ viết Chăm.