Đăng online: kauthara.org
Email: kautharanews@yahoo.com
Facebook: Putra Podam
Tác giả: GSCC.TS.Putra Podam
TÓM TẮT: Agama Awal là một hệ phái mới xuất hiện ở Champa do ảnh hưởng văn hóa bản địa, là một tôn giáo độc thần, chỉ tôn thờ Thượng đế Allah, Đấng Tối Cao, Duy Nhất và tôn kính Muhammad là vị Thiên sứ (Nabi) cuối cùng được Allah mặc khải Thiên kinh Koran. Awal (Hồi giáo sơ khai, Hồi giáo cũ, Hồi giáo từ khi du nhập vào Champa) ảnh hưởng từ dòng Sunni. Awal là một hệ phái thuộc Hồi giáo Champa (Islam Awal của Champa), khác với trên 73 nhánh Islam trên thế giới như: Islam Sunni của Ả Rập, Islam Shia của Iran, Islam Ahmadi (Ahmadiyya) của Pakistan, Islam Kharijite của Oman, Islam Sufi của Libya, Sudan, Islam Wahabi, …Islam Champa dòng Awal được chia thành hai tầng lớp:
Tầng lớp thứ nhất, là Giáo sĩ (Acar hay Ulama): trực tiếp thờ phượng Allah, Đấng Tối cao, Duy nhất và phục tùng Muhammad là Thiên sứ cuối cùng. Nhiệm vụ của giáo sĩ (Acar) là trau dồi chương kinh Koran, kiêng cử, hành lễ trong tháng Ramadan (Ramawan), Eid al-Adha (Waha), … và thực hiện các nghi lễ liên quan đến vòng đời của người Chăm theo Bani (Chăm theo đạo).
Tầng lớp thứ hai, là Thường dân (Gahéh): chỉ phục vụ và phục tùng cho giáo sĩ (Acar) và gián tiếp thờ phượng Allah. Nhưng lớp tín đồ Thường dân (tầng lớp thứ hai) nếu trang bị đầy đủ kiến thức và Thiên kinh Koran thì cũng có thể trở thành giáo sĩ (Acar) để trực tiếp thờ phượng Allah.
Do vậy, khi bàn đến hệ phái Awal (Islam Champa dòng Awal) thì chúng ta chỉ đề cập đến tầng lớp Giáo sĩ (Acar - ulama) và hệ thống hành lễ của Acar chứ không đề cập đến tín đồ thông thường (Gahéh).
1. THƯ INRASARA GỬI KATIP TỪ TẤN
Inra Sara Gửi Từ Tấn!
Tôi với ông quen thân nhau, nhưng từ khi ông tự nguyện làm Jawa lai gây xáo trộn cộng đồng Cham, tôi coi ông là một tội đồ tai hại. Nói với ông 1 lần này thôi.
5 trụ cột Islam là: Chahada, Salat, Ramadan, Zakat và Hadj, tôi hỏi ông vốn là tu sĩ Bà-ni, nay thành Jawa lai:
[1] Chahada, các vị Acar tôn kính Allah, Mohammed bên cạnh còn cúng tế bao nhiêu Pô Yang khác, chính bản thân ông cũng làm như vậy - hỏi bên Islam có như thế không?
[2] Salat, các vị Acar hôm nay có còn quỳ lạy đúng phép như bên Islam không?
[3] Ramadan, các vị Acar có chay tịnh nghiêm ngặt như bên Islam không?
[4] Zakat, các vị Acar có còn bố thí như bên Islam không?
[5] Hadj, các vị Acar có còn khát khao đi hành hương Mecca để thành 1 Hadj không?
Cả 5 đều KHÔNG. Đó là bên chức sắc, còn tín đồ Bà-ni thì hoàn toàn KHÔNG. Ông không hiểu hay cố ý không hiểu?
2. NĂM TRỤ CỘT ISLAM (HỒI GIÁO)
Theo Islam (Hồi giáo), các tín đồ phải tuân theo năm điều, đó là năm trụ cột hay năm nghĩa vụ thiêng liêng của các tín đồ. Những bổn phận này đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ ý thức của tín đồ với cộng đồng Islam nói chung. Năm trụ cột của Islam là: Shahadah, Solat, Sawm, Haji, Zakat.
Shahadah: phải tuyên thệ rằng "Ashhadu Alla Ilaha Illa Allah, Wa Ashhadu Anna Muhammad Rasulu Allah". Nghĩa là: “Tôi chứng nhận không có Thượng Đế nào khác ngoài Allah. Và tôi chứng nhận Muhammad là Thiên Sứ của Allah”.
Salah (Salat, Solat): là việc cầu nguyện. Tín đồ phải cầu nguyện năm lần một ngày theo những thời điểm đã được ấn định để mọi tín đồ duy trì sự kết nối với Đấng Tạo Hóa của mình.
Sawm: là việc phải nhịn ăn (Fasting) trong tháng Ramadan (tháng 9 niên lịch Islam). Việc nhịn ăn ban ngày kéo dài suốt tháng: tất cả những tín đồ Islam phải nhịn ăn dưới hình thức không ăn, không uống, đến mức thậm chí không được nuốt nước bọt; ngoại trừ những người đang ốm, phụ nữ có thai, cho con bú và trẻ em dưới 5 tuổi thì không bắt buộc phải nhịn ăn.
Haji: là hành hương về Makkah (Mecca), là thành phố thiêng liêng bất tử, quê hương của Muhammad, là trung tâm của thế giới Islam (tháng 12 niên lịch Islam). Những người Islam trên khắp thế giới khi cầu nguyện đều hướng về thánh địa Makkah. Các tín đồ Islam không phân biệt nam nữ đều được khuyến khích trong đời một lần hành hương đến thánh địa Makkah. Ngôi đền Kabah tại Masjid al-Haram ở vương quốc Saudi Arabia còn gọi là ngôi nhà của Allah. Những nghi thức nhất định được thực hiện tại các địa điểm nhất định vào những thời gian nhất định, nhằm phục tùng mệnh lệnh của Allah như Ihram, Tawaf (đi quanh) ngôi đền Kabah bảy vòng, Sa’i (đi qua lại) bảy dòng giữa hai ngọn đồi Safa và Marwah, dừng chân tại Arafah, … cùng với những nghi thức khác.
Zakat (Yakat): là sự bố thí. Theo Thiên kinh Koran, một người phải trao cho người khác “những thứ dư”. Tùy theo mức doanh thu làm ăn trong năm mà có mức bố thí khác nhau, vật bố thí có thể là gạo, tiền, vàng, bạc, trâu, bò, cừu, … thông thường khoảng 2,5% thu hoạch hàng năm hay 10% lợi tức từ kinh doanh của họ. Tất cả tín đồ Islam tự mình phải bố thí mỗi năm một lần; đây là cách để thực hiện nghĩa vụ tôn giáo. Người Islam có nghĩa vụ giúp đỡ người nghèo, trẻ mồ côi và người tàn tật, … để giảm bớt bất công.
Trong năm trụ cột của Islam: Shahadah, Solat, Sawm, Haji, Zakat, thì giáo luật chỉ bắt buộc thực hiện trụ cột thứ nhất (Sahadah), trụ cột thứ hai mỗi ngày (Solat) và thực hiện trụ cột thứ ba một lần trong năm (Sawm), còn trụ cột thứ tư (Haji) và trụ cột thứ năm (Zakat) chỉ thực hiện theo khả năng.
3. PHẢN BIỆN
3.1 Inrasara tuyên bố Mục 1: “[1] Chahada, các vị Acar tôn kính Allah, Mohammed bên cạnh còn cúng tế bao nhiêu Pô Yang khác, chính bản thân ông cũng làm như vậy - hỏi bên Islam có như thế không?”
3.2. Phản biện Mục 1: Tuyên bố của Inrasara trong Mục 1 là hoàn toàn sai lầm, không am hiểu về Bani Awal (Hồi giáo – Islam), bản thân Inrasara cũng chưa hiểu gì về Ahier mà tự sướng tuyên bố về Agama Awal thật vô lý. Chữ Shahadah (Shahada) bị Inrasara viết sai thành Chahada.
Trụ cột đầu tiên trong Islam (Awal) là Shahadah: phải tuyên thệ rằng "Ashhadu Alla Ilaha Illa Allah, Wa Ashhadu Anna Muhammad Rasulu Allah". Nghĩa là: “Tôi chứng nhận không có Thượng Đế nào khác ngoài Allah. Và tôi chứng nhận Muhammad là Thiên Sứ của Allah”.
Người Chăm Bani (Chăm theo đạo) Agama Awal trong đời thường tuyên bố trụ cột đầu tiên Shahadah từ hai đến bốn lần như: Katan (lễ cắt bao quy đầu), Lakhah (lễ thành hôn), Pok Acar (lễ tôn Acar), Pok Gru (lễ phong chức Sư cả).
3.2.a). Tuyên bố Shahadah khi nhập đạo (Katan, Kareh)
Người Chăm Bani (Chăm theo đạo) của Agama Awal (Hồi giáo), mọi người phải tuyên bố Shahadah lần đầu tiên khi làm lễ nhập đạo Katan (lễ cắt bao quy đầu), lễ Kareh (lễ cắt tóc).
Theo hệ phái Awal (Hồi giáo Champa), bé trai được hoài thai trong bụng mẹ đã là Hồi giáo Awal rồi (nghĩa: đã Islam rồi). Sau này, trước khi trưởng thành khoảng 12 tuổi thường phải làm lễ “Katan” là hành động cắt bao quy đầu (nhưng nhiều người thường gọi lễ nhập đạo vì đã quen). Người Islam Châu Đốc khi hoài thai trong bụng mẹ là đã Islam rồi. Nhưng họ khuyến khích Khatan lễ cắt bao quy đầu cho trẻ từ lúc mới sinh được bảy ngày, vì điều này sẽ giúp trẻ màu lành vết thương. Hoặc lớn lên khoảng 6 tuổi, khi nhận thức được vết thương. Người Chăm Châu Đốc thường dùng từ “ngak Khotan tamâ Bani” chứ không ai nói “ngak Khotan tamâ Islam”, điều này được dùng cho cả Chăm Ninh Thuận, Bình Thuận, Chăm Nam Bộ và Chăm Kampuchia.
Katan (cắt bao quy đầu) ở người Chăm Awal (Hồi giáo) ở Việt Nam cũng như Chăm Awal ở Kur (Campuchea) được thực hiện đơn giản hơn. Thủ tục cũng rất đơn giản, người thực hiện chỉ cần dùng một chiếc kẹp tre kẹp da quy đầu của đứa trẻ kéo ra, sau đó dùng dao bén cắt tượng trưng phần lớp da quy đầu.
Sáng sớm anak Katan tự đi tắm rửa, còn ở vùng Kraong, Pajai thì được Gru Katal dẫn đi tắm. Sau khi trở về nơi tổ chức, thì anak Katan thay trang phục truyền thống như mặc “aw luak”, “khen matham”, “khen halang”,…Gru Katan dắt anak Katan vào Kajang Po Nabi (Kajang Kareh), xếp hàng thành nhóm 3 người để Imam (Gru Karek) làm “adat” như cho “kaik sara”, “nyum aia mu, kruec”, đọc Shahadah, “brei angan nabi” đặt tên cho nam giới làm Katan, tên được đặt theo thứ tự trật tự như sau: Lim Li (tên người đầu tiên), Lim Bukan, Lim Uthumal, Lim Uthumil, Lim Thal, Lim Thai, Lim Apkabah, Lim Apkasah, Lim Bubat (tên người sau cùng). “Pataow bac akhar”, “taubat”, … Sau khi xong thủ tục, Gru Katan bắt đầu thủ tục Kaseh (cắt bao quy đầu) tại kajang Katan.
Hình 1. Anak katan, sau khi lễ cắt bao quy đầu, Chăm Bani Islam Châu Đốc.
Hình 2. Anak Katan Chăm Bani Awal ở Kur (Campuchia).
Hình 3. Anak Katan cầm gậy để tự vệ và săn bắn, tuổi trưởng thành.
Hình 4. Anak Katan vui mừng sau khi được đặt tên và đọc Shahadah.
Kareh (tiếng Ả Rập: Akikah) hay Khatan là nghi thức đối với nữ giới là rạch rách da đỉnh âm vật là đủ. Việc này làm giảm đi ham muốn dục vọng nhất là thời gian chồng vắng nhà.
Để chính thức chấp nhận một người nào đó là tín đồ Hồi giáo (Awal) thì phải thực hiện nghi lễ Kareh và Katan.
Theo Bani Islam (Islam), khi bé gái hay bé trai mới sinh khoảng vài tháng tuổi thì cha mẹ phải làm lễ cắt tóc (cakak mbuk) và đặt tên (brei angan). Lễ này chỉ tổ chức riêng biệt, cá nhân chứ không tổ chức theo dạng tập trung. Để thực hiện lễ cắt tóc bé trai hay bé gái được đặt trên một cái mâm và thực hiện lễ tục này. Để cắt tóc, người ta cắt ba lọn tóc và sau đó đặt tên cho em bé. Tên thường đặt dành cho bé gái như: Fatimah, Hasanah, Zainap, Zaimah, …và tên thường đặt cho bé trai như: Muhammad, Ali, Abdullah, Husien, …. Sau khi thực hiện lễ cắt tóc và đặt tên xong, các bé trai và bé gái được xức dầu thơm và kết thúc lễ tục.
Để thực hiện, chủ trì lễ thự hiện nghi lễ cho Po Dhi Lakei trước bằng cách cho đưa bé cắn hạt muối và cắt tóc ở giữa trán và hai bên rồi đặt tên là: Lim Amad (Lim Amat). Chú ý, bé trai này lớn lên vẫn phải làm Katan vì chưa làm “Thun nâh”, chưa cắt da quy đầu, nên bắt buộc phải làm lễ Katan lại.
Hình 5. Po Dhi Lakei (anak Po dhi kamar) người bảo hộ và chứng kiến trong lễ kareh cho tín đồ Hồi giáo (Awal).
Sau lễ cắt tóc cho bé trai Po Dhi Lakei, thì đến lượt cắt tóc cho các thiếu nữ (Kareh) cũng tương tự.
Hình 6. Imam thực hiện nghi thức cắt tóc (cakak mbuk) trong lễ Kareh tín đồ Chăm Awal ở Kur (Kampuchia).
Hình 7. Po Gru hoặc Imam thực hiện nghi thức cắt tóc (ở giữa và hai bên) trong lễ Kareh cho tín đồ Bani Awal.
Sau lễ cắt tóc là lễ đặt tên bằng tiếng Ả Rập (Arabic) theo thứ tự trật tự là: Bi Fatimah (tên người đầu tiên), Bi Ayusah, Bi Ghamijah, Bi Malbiyah, Bi Malwiyah, Bi Aminâh, Bi Mâhyam, Bi Atkasah, người sau cùng có hai tên: Bi Umthalamâh và tên thường đặt là Bi Bubat. Sau khi đặt tên xong Muk Buh dẫn các thiếu nữ về Kajang nhỏ.
Hình 8. Giáo sĩ chủ lễ đặt tên cho Anak Kareh.
Thủ tục lễ Kakuh được các thiếu nữ Kareh thực hiện theo thứ tự. Trước tiên Kakuh vị chủ trì lễ ngồi giữa (có thể Po Gru hoặc Imam), sau đó Kakuk hai vị giáo sĩ ngồi hai bên. Trong suốt quá trình thực hiện nghi lễ cho các thiếu nữ Kareh đều có sự chứng kiến và bảo hộ của bé trai Po Dhi Lakei.
3.2.b). Tuyên bố Shahadah khi lễ thành hôn (Lakhah)
Lễ cưới (Lakhah) của Chăm Awal thường được tổ chức vào tháng 3, tháng 6, tháng 8, tháng 10, tháng 11 Chăm lịch (không phải Hồi lịch). Lễ Lakhah được tổ chức vào các ngày thứ ba (angar) và thứ tư (but) trong hạ tuần (klem), không được tổ chức vào thượng tuần (bangun). Người Chăm có câu “Ngap kareh di bangun, ngap lakhah di klem”. Trong lễ cưới Sư cả (Gru) trỏ tay cùng chú rể đọc lời thề Shahadah chỉ duy nhất tôn thờ Allah và tôn kính Nabi Muhammad.
Hình 9. Po Gru làm lễ tục trong Lakhah Chăm theo Awal. Đọc Shahadah thề chỉ tôn thờ Thượng đế Allah và tôn kính Thiên sứ Muhammad trong lễ cưới.
Hình 10. Lễ tục như Kabul trong Lakhah của Chăm theo Awal.
Lễ cưới của Chăm theo Bani Awal nói riêng và của Bani Islam nói chung trước kia được tổ chức trong thánh đường. Do tình hình lịch sử và chiến tranh liên miên, làng mạc bị đốt cháy, không có nhà cửa, không có thánh đường (magik), nên lễ cưới thường được tổ chức trong rạp (kajang) thay cho thánh đường.
3.2.c). Tuyên bố Shahadah khi lễ phong chức Gru (Sư cả)
Hình 11. Lễ phong chức Gru (Sư cả) của Agama Awal (Hồi giáo). Cả hai Gru cùng trỏ tay thề và đọc Shahadah chỉ duy nhất tôn thờ Thượng đế Allah và tôn kính Nabi Muhammad.
3.2.d). Giáo sĩ (Acar) của Agama Awal không cúng tế Po Yang (thần linh Balamon)
Tôn giáo mà người Chăm đang theo hiện nay gồm: Agama Awal và Agama Ahier, cả hai hệ phái Awal và Ahier đều phải tôn thờ Allah. Awal thì có giáo sĩ trực tiếp tôn thờ Allah trong khi Ahier không có giáo sĩ làm điều này. Do đó, mỗi khi thực hiện lễ tục liên quan đến Thượng đế Allah thì bên Ahier phải mời Giáo sĩ (Acar) đến để thực hiện mời Allah chứng giám.
Nói thêm Chăm Ahier từ thế kỷ 17 đến nay, chỉ tôn thờ thượng đế Allah duy nhất và chăm sóc đền tháp Champa, để nhớ ơn, ghi công các bậc anh hùng Champa xưa. Chứ Ahier ngày nay không ai theo Balamon nữa, nghĩa là không ai thờ tam vị thần Trimurti như Brahma, Vishnu, Shiva, …
Khi thực hành lễ nghi, Acar thường phải ngồi với tư thế xếp bằng hai chân, với chân trái xếp ngang, chân phải xếp ngửa bàn chân lên. Tư thế ngồi quy phục Allah khác hẳn với tư thế ngồi bên chức sắc Ahier.
Khi thực hành lễ liên quan đến tín đồ, Acar chỉ duy nhất đọc Thiên kinh Koran và mời Allah chứng giám. Giáo sĩ Acar không thờ thần linh (yang) Chăm Ahier hay bất cứ yang thần nào, và cũng không bao giờ thờ thần hoàng Champa, do đó Acar không bao giờ rót rượu éw yang cho thần linh như Po Mah Taha, Po Rome, hay Po Nraop, … mà chỉ có tu sĩ Ahier mới rót rượu cúng thần linh (yang).
Acar là giáo sĩ chỉ "vâng mệnh, quy phục Thượng đế Allah". Trong ngày đầu tiên nhập đạo, Acar phải tuyên thệ Shahadah “Không có thần thánh nào khác ngoài Allah, và Muhammad là Thiên sứ của Ngài”. Do đó Acar chỉ luôn đề cao Allah và trao dồi Thiên kinh Koran.
Vậy, hệ thống Acar của Chăm Awal là một tôn giáo độc thần, chỉ thờ phượng Đấng Allah Tối Cao và Duy nhất.
Hình 12 a,b,c. Giáo sĩ (Acar) đang thực hiện Solat (salat, salah).
3.3. Khẳng định:
Khẳng định 1a: Trụ cột đầu tiên, Shahadah, được người Chăm Bani (Chăm theo đạo) Agama Awal từ dân thường cho đến giáo sĩ (Acar), cũng như Chăm Islam chính thống giáo đều phải đọc Shahadah: "Ashhadu Alla Ilaha Illa Allah, Wa Ashhadu Anna Muhammad Rasulu Allah". Nghĩa là: “Tôi chứng nhận không có Thượng Đế nào khác ngoài Allah. Và tôi chứng nhận Muhammad là Thiên Sứ của Allah”.
Khẳng định 1b: Từ khẳng định 1a, cho thấy tất cả giáo sĩ (Acar) bên Agama Awal chỉ duy nhất tôn thờ Allah. Acar chỉ cầu nguyện Allah trong Thánh đường (Majid/Magik) và không cầu nguyện ngoài Thánh đường.
Khẳng định 1c: Từ khẳng định 1a và khẳng định 1b, cho thấy giáo sĩ (Acar) không bao giờ cúng tế cho yang thần Balamon hay cho thần linh nào khác ngoài Thượng đế. Vài trường hợp lễ tục sau mà Inrasara hiểm lầm như:
Lễ Rija, Rao sang, Ngak sang baruw, Mbeng bar huak manuk, …những lễ này bên Agama Ahier thực hiện để cầu xin Thượng đế Allah thì phải mời giới Acar bên Agama Awal (Hồi giáo) sang thực hiện để mời Allah chứng giám.
Đối với giáo sĩ Acar của Agama Awal, việc thực hiện thủ tục trong Rija không phải mang yếu tố mê tín hay cúng thần yang của hệ phái Agama Ahier như nhiều người thường hiểu lầm, vì Acar không bao giờ rót rượu cúng mời thần yang Balamon (Hindu) hay thần linh Champa hóa thân. Sự việc do tín ngưỡng và tín đồ Agama Ahier có thờ phượng Allah (bên Islam), nên mỗi lần thực hiện Rija tín đồ Ahier thường phải mời Allah chứng giám. Việc có mặt của giáo sĩ Acar Awal chỉ thực hiện những gì liên quan đến Allah và Thiên kinh Koran như đọc surah Al-Fatihah (Al-Fathah), Ash-shams và một số Du-a khác.
3.4. Kết luận:
Kết luận 1a: Từ 3.2. Phản biện Mục 1, và 3.3. Khẳng định, cho thấy người Chăm theo Bani (Chăm theo đạo) là Agama Awal (đạo Awal, nghĩa tiếng Việt Hồi giáo) hay Hồi giáo Chính thống (Islam) đều buộc phải đọc Shahadah trong trụ cột đầu tiên ít nhất vài lần trong đời.
Kết luận 1b: Giáo sĩ (Acar) chỉ cầu nguyện (Salah, Salat, Solat) cho Thượng đế Allah ở trong Thánh đường (Masjid/Magik).
Kết luận 1c: Giáo sĩ Acar không cầu nguyện cho yang thần, hay thần linh nào của Balamon.
Kết luận 1d: Không có chuyện một Acar của Agama Awal đi cúng tế thần linh (yang) cho Balamon như ông Inrasara tuyên bố. Việc tuyên bố của Inrasara trong Mục 1 chỉ là sự thiếu hiểu biết về Agama Awal và Agama Ahier, từ sự thiếu hiểu biết nên Inrasara phát biểu lung tung ảnh hưởng đến giới giáo sĩ (Acar) của Agama Awal và cụ thể sỉ nhục Katip Từ Tấn.
Hình 13. Thư Inrasara gửi Katip Từ Tấn
FILE LIÊN QUAN
Ts.Putra Podam: Phản biện Inrasara "vu khống Chính phủ Việt Nam xóa tôn giáo người Chăm"