Theo Ts.Po Dharma, vua Panduranga ở vương triều thứ 1: Bal Sri Banây là 5 vị vua huyền sử. Theo Ông, nhiều thư tịch cổ Chăm, người Chăm ở tiểu bang Panduranga (Phan Rang và Phan Rí) còn lưu trữ rất nhiều văn bản cổ viết bằng chữ Thrah (Srah) liên quan đến lịch sử và nền văn minh Champa sau năm 1471 (P-B. Lafont: 1980). Trong kho tàng thư tịch cổ này, Sakkarai Dak Rai Patao, viết về biên niên sử của vua chúa Panduranga. Triều đại thứ nhất của Panduranga là thời kỳ huyền sử gồm các nhân vật sau:
- Po Awluah: Lên ngôi năm Tý, thoái vị năm Tý, trị vì 37 năm ở thủ đô Bal Sri Banây (Nại, Ninh Chữ, Phan Rang), sau đó ngài trở về trời.
- Po Binnasur: Lên ngôi năm Tý, thoái vị năm Thìn, trị vì 41 năm ở thủ đô Bal Sri Banây (Nại, Ninh Chữ, Phan Rang), sau đó ngài trở về trời.
- Po Putik (Po Putrik): Lên ngôi năm Thìn, thoái vị năm Ngọ, trị vì 39 năm ở thủ đô Bal Sri Banây (Nại, Ninh Chữ, Phan Rang).
- Po Sulika: Lên ngôi năm Ngọ, thoái vị năm Mùi, trị vì 38 năm ở thủ đô Bal Sri Banây (Nại, Ninh Chữ, Phan Rang).
- Po Klong Garai: Lên ngôi năm Mùi, thoái vị năm Sửu. Trước tiên ngài đóng đô ở Bal Sri Banây (Nại, Ninh Chữ), sau đó dời thủ đô này về Bal Hanguw. Sau 55 năm trị vì, ngài trở về trời.
Theo Ts.Po Dharma, họ không phải là người thường mà là những vị thần linh, tự sinh ra (jiéng éng hay éngkat) và tự giáng thế để cai trị xứ sở Chăm. Sau một thời gian lên ngôi, các vị thần thánh này không chết, nhưng trở về thế giới linh thiên (nao meng rup). Trong 5 nhân vật huyền sử này, Po Klaong Garai trở thành nạn nhân của nhiều người Chăm viết lách từ mấy thập niên qua. Po Klaong Garai còn là tên của một cái đền ở phía tây của thành phố Phan Rang. Dựa vào truyền thuyết, một số người Chăm cho rằng đây là đền tháp do Po Klaong Garai xây dựng. Nhưng trên thực tế, đền Po Klaong Garai là công trình xây cất bởi vua Jaya Simhavarman (Chế Mân) vào cuối thế kỷ thứ XIV. Sau thế kỷ thứ XV, vua chúa Panduranga biến vua Chế Mân thành một truyền thuyết thần linh của dân tộc bản địa. Những công trình xây dựng hệ thống mương đập của Po Klaong Garai chỉ là tác phẩm của vua Chế Mân để lại. Đây cũng là giai đoạn lịch sử mà dân tộc Champa ở miền nam tìm cách xa lánh dần dần những yếu tố Ấn Giáo ở phía bắc nhằm xây dựng cho mình một nền văn minh mới pha lẫn 3 nền văn hóa rỏ rệt: Ấn Giáo, Bản Địa và Hồi Giáo.
Phản biện
1. Vua Po Awluah (Aluah) hay Yang Puku Vijaya Sri
Theo quan điểm của Ts.Putra Podam, vua Po Aluah là một vị vua có thật, đó là vị vua Yang Puku Vijaya Sri (Thất-ly Bì-xà-da-bạt-ma), trị vì (998-1006), là con trai của vua Harivarman II (Dịch-lợi Băng-vương-la), trị vì (988-997), cai trị thời kỳ triều vương thứ bảy (991-1044): Vijaya-Chiêm Thành (Champa). Po Allah (Po Awluah) là một tín đồ Islam (Hồi giáo) trung kiên đã từng sang Mecca (La Mecque) hành hương, hiệu Yang Puku Vijaya (Dương-phổ-cu Bi-trà-xá-lợi). Vị vua Champa, trung tâm quyền lực đặt tại Vijaya (Đồ Bàn hay Chà Bàn nay Qui Nhơn). Toàn bộ vương tộc tại Indrapura (Đồng Dương) được đưa về Sri Bini (Qui Nhơn) định cư, vì nơi này ít bị uy hiếp hơn khi có chiến tranh.
Dưới thời Yang Puku Vijaya Sri (Po Allah), đạo Islam cùng với đạo Hinduism phát triển mạnh mẽ. Tân vương tổ chức lại quân đội và cử nhiều phái đoàn sang Trung Hoa thông sứ với hy vọng được nhà Tống bảo vệ khi bị Đại Cồ Việt tấn công. Năm 1005, hay tin Lê Đại Hành mất, Yang Puku Vijaya mang quân tấn công Đại Cồ Việt, lúc đó do Lê Long Đĩnh (1005-1009) cai trị.
Đây cũng là thời kỳ đầu mà Islam (Hồi giáo) du nhập vào Champa. Theo Ed Huber, Islam du nhập Champa vào khoảng đầu thế kỷ 10, người ta đã tìm thấy trong Tống sử một đoạn ghi “Cũng có (ở xứ Chàm) nhiều trâu sống trên núi. Nhưng người ta không dùng trâu để cày bừa mà chỉ để tế thần”. Lúc giết trâu để cúng, họ đọc lời cầu nguyện “Allahu Akbar”, đây chính là câu thiên kinh để tôn vinh Allah là đấng tối cao duy nhất. Theo sử liệu Trung Hoa. Trong Tống sử có thuật lại, khi tế trâu ở Champa họ có đọc câu thiên kinh “Allah Akbar”, nghĩa Allah là đấng tối cao và duy nhất. Dựa vào tư liệu trên có thể nhận định Hồi giáo đã du nhập vào Champa từ thế kỷ 10 (Maspero, 1928, p.13-14).
Điều trên trùng hợp, vua Po Allah cai trị ở Vijaya vào thế kỷ thứ 10, đó chính là vua Yang Puku Vijaya Sri tại Vijaya. Hơn nữa thời kỳ đầu Hoàn Vương (757-854) ở Virapura quá ngắn, rồi chuyển đến Indrapura, sau này Yang Puku Vijaya Sri (Po Allah) chuyển trung tâm quyền lực đặt tại Vijaya. Do đó, người Chăm tại Panduranga tưởng rằng Po Allah chỉ là danh xưng Thượng Đế hay Đấng Tạo Hóa (ông trời) nên cho rằng đây chỉ là vua huyền sử Patao jiéng éng hay Patao éngkat (vua tự sinh).
2. Vua Po Klong Garai
Theo quan điểm của Ts.Putra Podam, trường hợp vua Po Klong Garai trong Biên Niên Sử Champa (Sakkarai Dak Rai Patao) mà Ts. Po Dharma cũng cho rằng đây là vua huyền sử gọi là Patao jiéng éng hay Patao éngkat (vua tự sinh), đây cũng là sự sai lầm của Ts. Po Dharma.
Theo sử liệu của người Champa và các sử liệu Việt Nam và Tây phương để lại, Po Krung Garai (Po Klong Garai: Thủ lĩnh Rồng) là nhân vật có thật trong lịch sử Champa. Ngài Po Krung Garai là vị vua thứ tư trong triều đại thứ 11 (11th Dynasty - Vijaya) đóng đô ở thành Đồ Bàn (Vijaya) thuộc tiểu bang Vijaya-Degar của Vương quốc Campa. Trong quá trình trị vị, với tài năng, đức độ và văn thao võ song toàn, ông không chỉ có công đánh giặc ngoại xâm, kiến thiết đất nước Champa trong lịch sử mà còn có công lớn cho công trình thủy lợi ở tiểu bang Vijaya-Degar và Panduranga. Hậu duệ Ngài Po Krung Garai là R'cam Mal, theo cách gọi của tộc người Rhade và Jarai tại vùng Vijaya- Degar để gọi hoàng tử Harijit, con của hoàng hậu Gaurendraksmi, lên ngôi lấy vương hiệu là Jaya Simhavarman III, mà tài liệu Trung Quốc gọi là Pou Ti, tức Raja Kembayat (đức vua Chế Mân) vua Islam (Hồi giáo) trong quyển "Bidasari and The Djinn" của Ninot Aziz, là vị vua thứ 12 của triều đại thứ 11 vào thế kỷ 13, đã cho xây dựng Tháp Po Klong Garai tại Phan Rang (Panduranga) vào cuối thế kỷ 13 đầu thế kỷ 14.
Po Krung Garai (vị vua thứ tư) và vua Chế Mân (vị vua thứ 12) cùng triều đại thứ 11 (11th Dynasty - Vijaya) đóng đô ở thành Đồ Bàn (Vijaya) thuộc tiểu bang Vijaya-Degar. Từ cơ sở trên có thể thấy, Vua Chế Mân là hậu duệ của vị vua Po Krung Garai anh hùng Champa thuộc tộc người Rhade - Jarai.
Theo Ts.Nguyễn Văn Huy, trong cuốn Tìm hiểu cộng đồng Chăm ở Việt Nam, Po Klong Garai là vị vua Jaya Indravarman IV (1167–1190), vua Champa tại Vijaya thuộc miền Bắc Champa. Theo Ts.Ngô Văn Doanh, trong cuốn Tháp cổ Champa, vua Champa là Jaya Indravarman IV (trị vì 1167 - 1190) đánh chiếm Chân Lạp, bắt được nhiều tù binh đem về Champa, trong đó có một vị hoàng thân Khmer. Năm 1186, vị hoàng thân Khmer này được thả về Chân Lạp để kế nghiệp ngôi vua, là vua Jayavarman VII (vua Khmer). Theo Ts.Po Dharma trong cuốn Biên niên sử Champa (Sakkarai Dak Rai Patao), Po Klong Garai là Jaya Indravarman IV vua liên bang Champa là chưa đủ cơ sở. Theo Po Dharma, tác phẩm Sakkarai Dak Rai Patao, thì Po Klong Garai chỉ là vua huyền sử, một vị thần linh tự sinh ra (éngkat), sau mấy năm trì vị ở trần gian, Po Klong Garai trở về trời (nao mâng rup). Một số nghiên cứu khác cho rằng, Ngài Po Klong Garai chính là Jaya Harivarman I (Chế Bì La Bút) trị vì từ 1147–1166.
Căn cứ vào cơ sở trên và giai đoạn trị vì, Po Krung Garai chính là vị vua Jaya Indravarman IV (Bà Khắc Lượng Gia Lai), trị vì (1167-1190), vị vua Champa trong danh sách thứ tư của triều đại thứ 11 (11th Dynasty - Vijaya) đóng đô ở thành Đồ Bàn (Vijaya) thuộc tiểu bang Vijaya-Degar. Ông là vị vua ảnh hưởng Islam (Hồi giáo).
Chế Mân hay R'cam Mal (dòng dõi họ Rơ Chăm) theo cách gọi của tộc người Rhade và Jarai tại vùng Vijaya- Degar, ông là hậu duệ của vua Po Krung Garai (Po Klong Garai: Thủ lĩnh Rồng), nên Quốc vương Chế Mân (R'cam Mal) đã cho xây ba công trình kiến trúc là tháp Po Krung Garai (Thủ lĩnh Rồng) tại Phan Rang (Panduranga) và hai tháp khác tại tiểu bang Vijaya-Degar là tháp Yang Prong (thần lớn, thần vĩ đại) tại tỉnh Dak Lăk và tháp Yang Mum (Mẫu thần) tại tỉnh Gialai vào cuối thế kỷ 13 đầu thế kỷ 14.
Hình 1, 2. Po Krung Garai (Thủ lĩnh Rồng hay thần Rồng), trên đồi Trầu, phường Đô Vinh, Tp.Phan Rang. Tháp do vua Chế Mân (Jaya Simhavarman III) xây dựng vào cuối thế kỷ 13 đầu thế kỷ 14 để tôn kính vua Po Krung Garai (Jaya Indravarman IV).
Hình 3. Po Krung Garai (Thủ lĩnh Rồng hay thần Rồng).
Hình 4. Po Krung Garai (Thần Rồng), trên đồi Trầu, phường Đô Vinh, Tp.Phan Rang. Tháp do vua Chế Mân (Jaya Simhavarman III) xây dựng vào cuối thế kỷ 13 đầu thế kỷ 14 để tôn kính vua Po Krung Garai (Jaya Indravarman IV). Tháp được công nhận di tích quốc gia đặc biệt vào ngày 22/12/2016.
LINK: Liên kết
Po Krung Garai (Po Klong Garai) vua tộc người Rhade và Jarai