Po Krung Garai (Po Klong Garai) vua tộc người Rhade và Jarai

Written by Putra Podam
In category Nghiên cứu
May 12, 2024, 6:32 PM

 

1. Tìm hiểu nguồn gốc vua Po Krung Garai

Theo sử liệu của người Champa và các sử liệu Việt Nam và Tây phương để lại, Po Krung Garai (Po Klong Garai: Thủ lĩnh Rồng) là nhân vật có thật trong lịch sử Champa. Ngài Po Krung Garai là vị vua thứ tư trong triều đại thứ 11 (11th Dynasty – Vijaya) đóng đô ở thành Đồ Bàn (Vijaya) thuộc tiểu bang Vijaya-Degar của Vương quốc Campa. Trong quá trình trị vị, với tài năng, đức độ và văn thao võ song toàn, ông không chỉ có công đánh giặc ngoại xâm, kiến thiết đất nước Champa trong lịch sử mà còn có công lớn cho công trình thủy lợi ở tiểu bang Vijaya-Degar và Panduranga.

Hậu duệ Ngài Po Krung Garai là R'cam Mal, theo cách gọi của tộc người Rhade và Jarai tại vùng Vijaya- Degar để gọi hoàng tử Harijit, con của hoàng hậu Gaurendraksmi, lên ngôi lấy vương hiệu là Jaya Simhavarman III, mà tài liệu Trung Quốc gọi là Pou Ti, tức Raja Kembayat (đức vua Chế Mân) vua Islam (Hồi giáo) trong quyển "Bidasari and The Djinn" của Ninot Aziz, là vị vua thứ 12 của triều đại thứ 11 vào thế kỷ 13, đã cho xây dựng Tháp Po Klong Garai tại Phan Rang (Panduranga) vào cuối thế kỷ 13 đầu thế kỷ 14.

Po Krung Garai (vị vua thứ tư) và vua Chế Mân (vị vua thứ 12) cùng triều đại thứ 11 (11th Dynasty - Vijaya) đóng đô ở thành Đồ Bàn (Vijaya) thuộc tiểu bang Vijaya-Degar. Từ cơ sở trên có thể thấy, Vua Chế Mân là hậu duệ của vị vua Po Krung Garai anh hùng Champa thuộc tộc người Rhade - Jarai.

Theo Ts.Nguyễn Văn Huy, trong cuốn Tìm hiểu cộng đồng Chăm ở Việt Nam, Po Klong Garai là vị vua Jaya Indravarman IV (1167–1190), vua Champa tại Vijaya thuộc miền Bắc Champa.

Theo Ts.Ngô Văn Doanh, trong cuốn Tháp cổ Champa, vua Champa là Jaya Indravarman IV (trị vì 1167 - 1190) đánh chiếm Chân Lạp, bắt được nhiều tù binh đem về Champa, trong đó có một vị hoàng thân Khmer. Năm 1186, vị hoàng thân Khmer này được thả về Chân Lạp để kế nghiệp ngôi vua, là vua Jayavarman VII (vua Khmer).

Theo Ts.Po Dharma trong cuốn Biên niên sử Champa (Sakkarai Dak Rai Patao), Po Klong Garai là Jaya Indravarman IV vua liên bang Champa là chưa đủ cơ sở. Theo Po Dharma, tác phẩm Sakkarai Dak Rai Patao, thì Po Klong Garai chỉ là vua huyền sử, một vị thần linh tự sinh ra (éngkat), sau mấy năm trì vị ở trần gian, Po Klong Garai trở về trời (nao mâng rup).

Một số nghiên cứu khác cho rằng, Ngài Po Klong Garai chính là Jaya Harivarman I (Chế Bì La Bút) trị vì từ 1147–1166.

Căn cứ một số nghiên cứu cho thấy, dân tộc Rhade (Radaya, Raday) cư trú lâu đời trên mảnh đất Cao nguyên Trung Phần tức Tây Nguyên ngày nay gồm 5 tỉnh: DakLak, Daknong, Gia Lai, Kontum, Lâm Đồng. Người Radaya (Raday), được phân thành hai nhánh sắc tộc lớn là: Rhade (Ede) và Jarai (Garai, Grai, Jrai).

Trong lịch sử, qua các lần Nam Tiến của Đại Việt vào đất Champa, những người Champa sống ở vùng đồng bằng ven biển chạy lánh nạn lên vùng bình nguyên Cheo Reo sống cộng cư với “Orang Raday hay Anak Raday” tức cộng cư với hai sắc tộc lớn là Rhade và Jarai.

Nhóm người vùng thung lũng Sông Ba (phần thượng lưu mà người Rhade gọi “Ea Pa”, người Jarai gọi “Ia Pa”, còn gọi “Krong Pa”, phần hạ lưu gọi sông Đà Rằng) tự xưng là anak Garai (anak Grai: con của rồng) hay ana Garai (ana Grai: con Rồng), người Chăm gọi “ana Garai hay ina Garai” là con rồng. “Ea Garai, Ea Grai hay Ia Grai”: là nước Rồng, danh xưng này đã gắn với tộc danh của người Garai (Grai) từ lâu, sau thời Việt Nam Cộng Hòa đã gọi Jarai (Jrai) đến ngày nay.

Thủ lĩnh của vùng đất “Ia Garai hay Ia Grai” được gọi: Po Krung Garai (Po: chủ, ngài; Kurung hay krung: là dấu tích, nguyên thủy, thủ lĩnh; Garai hay grai: con Rồng) còn gọi, Yang Krung Garai (Thần Rồng).

 Po Krung Garai, là Jaya Indravarman IV, vị vua trong danh sách thứ tư của triều đại thứ 11 (11th Dynasty – Vijaya) đóng đô ở thành Đồ Bàn (Vijaya) thuộc tiểu bang Vijaya-Degar,

Danh sách các vị vua thuộc triều đại thứ 11 như sau:

Rudravarman IV (?), 1145–1147

Jaya Harivarman I (Chế Bì La Bút), 1147–1166

Jaya Harivarman II (?), 1166–1167

Jaya Indravarman IV (?), 1167–1190

Suryajayavarman (Khmer king in Vijaya), 1190–1191

Jaya Indravarman V (?), 1191–1192

Suryavarman or vidyanandana (Khmer king in Vijaya, Panduranga), 1192–1203

Occupied by Khmer Empire, 1203–1220

Jaya Paramesvaravarman II (?),1220–1254

Jaya Indravarman VI (?), 1252–1257

Indravarman V (?), 1257–1285

Jaya Simhavarman III (Chế Mân), 1285–1307

Jaya Simhavarman IV (Chế Chí), 1307–1312

Jaya Simhavarman V (Chế Năng), 1312 –1318

Vua Champa triều đại thứ 12 (12th Dynasty – Vijaya) đóng đô ở thành Đồ Bàn (Vijaya) thuộc tiểu bang Vijaya-Degar. Danh sách các vị vua Champa triều đại thứ 12 Vijaya như sau:

Jaya Ananda (Chế A Nan), 1318 –1342

Maha Sawa (Trà Hòa), 1342 -1360

Jaya varman (Chế Bồng Nga), 1360 –1390

Vua Champa triều đại thứ 13 (13th Dynasty – Vijaya) đóng đô ở thành Đồ Bàn (Vijaya) thuộc tiểu bang Vijaya-Degar. Danh sách các vị vua Champa triều đại thứ 13 Vijaya như sau:

Jaya Simhavarman VI (La Ngai), 1390 –1400

Indravarman VI (Ba Đích Lại), 1400 –1441

Virabhadravarman (?), 1441–1444/46?

Vua Champa triều đại thứ 14 (14th Dynasty – Vijaya) đóng đô ở thành Đồ Bàn (Vijaya) thuộc tiểu bang Vijaya-Degar. Triều đại cuối cùng ở Vijaya, danh sách các vị vua Champa triều đại thứ 14 như sau:

Maha Vijaya (Ma-kha Bí-cai), 1441–1446

Maha Kali (Ma-kha Quý-lai), 1446 –1449

Maha Kaya (Ma-kha Quý-do), 1449 –1458

Maha Saya (Ma-kha Trà-duyệt, Bàn-la Trà-duyệt), 1458–1460

Maha Sajan (Ma-kha Trà-toàn, Bàn-la Trà-toàn), 1460–1471

Maha Sajai, (Ma-kha Trà-toại, Bàn-la Trà-toại), 1471–1474

tức Raja Kembayat (đức vua Chế Mân) vua Islam (Hồi giáo)

 

Hình 1. R'cam Mal (Raja Kembayat) là đức vua Chế Mân, trong quyển "Bidasari and The Djinn" của Ninot Aziz. Chế Mân, vị vua ảnh hưởng Hồi giáo (Islam) khi bang giao với thế giới Melayu, và kết hôn với công chúa Tapasi Majapahit (Indonesia).

 

2. Tháp Po Krung Garai ở Panduranga

Chế Mân (1285-1307), vị vua thứ 12 của Triều đại thứ 11 của Vijaya. Theo cách gọi của tộc người Rhade và Jarai tại vùng Vijaya-Degar là R'cam Mal/Idăm Mal (hoàng tử Harijit), con của hoàng hậu Gaurendraksmi, lên ngôi lấy vương hiệu là Jaya Simhavarman III, mà tài liệu Trung Quốc gọi là Pou Ti, tức Raja Kembayat (đức vua Chế Mân) vua Islam trong quyển "Bidasari and The Djinn" của Ninot Aziz. Khi bang giao với thế giới Melayu, Chế Mân kết hôn với công chúa Tapasi Majapahit (Indonesia) và cũng là vị vua theo Islam tương đối sớm ở Vijaya-Degar. Kế nhiệm từ vua cha là quốc vương Champa, Indravarman V. Chế Mân đã từng lãnh đạo chống quân xâm lăng của Mông Cổ, mà nhà thương thuyền Âu Châu là Marco Polo, nhân dịp ghé thăm Champa vào năm 1288 có nhắc đến.

Trong lịch sử Champa, Quốc vương Chế Mân (R'cam Mal) đã để lại cho hậu thế ba công trình kiến trúc là tháp Po Krung Garai (Thủ lĩnh Rồng) tại Phan Rang (Panduranga) và hai tháp khác tại tiểu bang Vijaya-Degar là tháp Yang Prong (thần lớn, thần vĩ đại) tại tỉnh Daklak và tháp Yang Mum (Mẫu thần) tại tỉnh Gialai vào cuối thế kỷ 13 đầu thế kỷ 14.

 Po Krung Garai, có ba ngôi tháp: tháp chính, tháp lửa và tháp cổng. Tháp chính là nơi tôn kính vị vua Po Krung Garai (Jaya Indravarman IV).

 

Hình 2, 3. Po Krung Garai (Thủ lĩnh Rồng hay thần Rồng), trên đồi Trầu, phường Đô Vinh, Tp.Phan Rang. Tháp do vua Chế Mân (Jaya Simhavarman III) xây dựng vào cuối thế kỷ 13 đầu thế kỷ 14 để tôn kính vua Po Krung Garai (Jaya Indravarman IV).

 

3. Tháp Yang Mum tại thị trấn Ayun Pa tỉnh Gialai

Yang Mum (Mẫu thần), là tháp Champa do quốc vương Chế Mân (R'cam Mal) xây dựng tại tiểu bang Vijaya-Degar vào cuối thế kỷ 13 đầu thế kỷ 14, theo Viện Viễn đông Bác cổ (EFEO), 1901.

Tháng 6-1902, H. Parmentier (học giả người Pháp) ghi nhận ngôi tháp được xây dựng trên nền đất đá ong, có một tấm bia và bức tượng thần Shiva cưỡi trên con bò thần Nandin, …

Theo nhà dân tộc học J. Dournes “Những nghiên cứu ở vùng Champa”: Tháp Yang Mum ở thượng nguồn sông Ba trên địa phận Gia Lai-Kon Tum, người Jarai gọi tháp này Ya H’mum (yă: bà; H’mum: Mẫu thần hay nữ thần năng lượng), xuất phát từ R’cam H’mum là tên của một bà tổ (mẫu tổ) của bộ lạc R’cam của người Jarai”, …tức bộ lạc mang họ “Chế” như vua Chế Mân, Chế Chí, Chế Năng, Chế Anan, Chế Bồng Nga, …Tháp Yang Mum (bimong Yă H’mum) được người dân trong vùng dùng để tôn thờ Mẫu thần R’cam H’mum.

Nhiều di tích tháp Champa còn tìm thấy nằm khá sâu về phía Tây, rải rác vùng Tây Nguyên và đặc biệt xuất hiện ở những phụ lưu đầu nguồn hay hai bên bờ sông Ba cho đến vùng hạ lưu.

Hình 4. Tháp Yang Mum (Mẫu thần hay Mẫu thần năng lượng), hiện trạng vẫn còn nguyên vẹn năm 1948 tại thị trấn Ayun Pa, tỉnh Gialai. Ảnh: Sưu tầm.

 

Hình 5. Tháp Yang Mum (Mẫu thần), sau khi sụp đổ trở thành phế tích. Ảnh: Sưu tầm.

 

4. Tháp Yang Prong tại thị trấn Ea Sup tỉnh Dak Lak

Yang Prong (thần lớn, thần vĩ đại), là tháp Champa nằm dưới những tán cổ thụ của rừng già Ea Sup, bên cạnh dòng sông Ea H’leo, thuộc xã Ea Rok, huyện Ea Sup, tỉnh Dak Lak. Tháp được phát hiện vào những năm 1904 -1911 bởi nhà dân tộc học người Pháp, Henri Maitre, và được mô tả trong cuốn Les jungles Moi (Rừng Mọi) xuất bản tại Paris năm 1912.

Năm 1990, một số nhà nghiên cứu cho rằng tháp Yang Prong có chân tường bằng đá ong, trên khung cửa đá xà ngang có dòng bia ký cổ Champa, mảnh đá sa thạch ở nóc bệ có bò thần Nandin, tháp được xây để thờ thần Shiva do R’cam Mal (Chế Mân - vua Jaya Simhavarman III) xây dựng vào cuối thế kỷ 13.

Sau khi Vijaya-Degar bị Đại Việt chiếm đóng vào năm 1471 (thế kỷ 15), đây cũng là giai đoạn mà Ấn giáo (Hindu) tàn lụi ở Champa và Đông Nam Á. Từ giai đoạn này người dân bản địa không còn thờ thần Shiva, mà thay vào đó thờ thần bản địa.

Người Jarai, Rhade sống quanh tháp Yang Prong cho rằng: H’bia (công chúa, nữ vương. Tiếng Chăm: hoàng hậu) đến kỳ sinh nở mời bà đỡ đẻ đến. Lúc chuẩn bị đỡ đẻ, bà quay sang ngắm tiếng sáo diều trên bầu trời. Công chúa chuyển dạ, băng huyết nên chết cả mẹ lẫn con. Khi biết chuyện, người chồng H’bia nổi giận liền rút gươm chém bà đỡ. Ba người chết hóa đá. Dân trong vùng tôn thờ H’bia và cho rằng linh hồn của H’bia chính là Yang Prong.

Hình 6, 7. Tháp Yang Prong, xã Ea Rok, huyện Ea Sup, tỉnh Daklak.

 

5. Kết luận

Từ những Mục đã liệt kê có thể khẳng định, Po Krung Garai (Thủ lĩnh Rồng hay thần Rồng) là vua Jaya Indravarman IV nằm trong danh sách thứ tư của triều đại thứ 11 (11th Dynasty – Vijaya) đóng đô ở thành Đồ Bàn (Vijaya) thuộc tiểu bang Vijaya-Degar.

Po Krung Garai (Po: chủ, ngài; Kurung hay krung: là dấu tích, nguyên thủy, thủ lĩnh; Garai hay grai: con Rồng). Tộc người Rhade và Jarai gọi Po Krung Garai là “Thủ lĩnh Rồng hay thần Rồng”

Chế Mân (1285-1307), vị vua thứ 12 của Triều đại thứ 11 của Vijaya. Theo cách gọi của tộc người Rhade và Jarai tại vùng Vijaya-Degar là R'cam Mal (hoàng tử Harijit),

Po Krung Garai (vị vua thứ tư) và vua Chế Mân (vị vua thứ 12) cùng triều đại thứ 11 (11th Dynasty - Vijaya) đóng đô ở thành Đồ Bàn (Vijaya) thuộc tiểu bang Vijaya-Degar. Chế Mân là hậu duệ của vị vua Po Krung Garai anh hùng Champa thuộc tộc người Rhade-Jarai.

Từ yếu tố là hậu duệ của Po Krung Garai, nên Quốc vương Chế Mân (R'cam Mal) đã cho xây ba công trình kiến trúc là tháp Po Krung Garai (Thủ lĩnh Rồng) tại Phan Rang (Panduranga) và hai tháp khác tại tiểu bang Vijaya-Degar là tháp Yang Prong (thần lớn, thần vĩ đại) tại tỉnh Dak Lăk và tháp Yang Mum (Mẫu thần) tại tỉnh Gialai vào cuối thế kỷ 13 đầu thế kỷ 14.

Hình 8. Po Krung Garai (Thủ lĩnh Rồng hay thần Rồng).

Hình 9. Po Krung Garai (Thần Rồng), trên đồi Trầu, phường Đô Vinh, Tp.Phan Rang. Tháp do vua Chế Mân (Jaya Simhavarman III) xây dựng vào cuối thế kỷ 13 đầu thế kỷ 14 để tôn kính vua Po Krung Garai (Jaya Indravarman IV). Tháp được công nhận di tích quốc gia đặc biệt vào ngày 22/12/2016.

 

LINK: Liên kết liên quan

PDF: Po Krung Garai vua tộc người Rhade và Jarai file PDF

1. Po Krung Garai (Po Klong Garai) vua tộc người Rhade và Jarai

2. Họ “Chế” có nguồn gốc từ người Rhade và người Jarai

3. Vương phi Mỵ Ê (H’Bia Mamih Ea) khác danh xưng "Mih Ai"

4. Kỷ niệm 980 năm Vương phi Mỵ Ê (H’Bia Mamih Ea) 1044-2024

5. Chế Mân vị vua Champa tộc người Raday (Rhade, Jarai)

6. Chế Bồng Nga vua liên bang thuộc kinh thành Vijaya-Degar là tộc người Raday và Jarai

7. Công chúa Hadrah Hajan Kapak tộc Rhade trở thành thứ hậu Bia Than Can của vua Po Rome

8. Chế Bồng Nga và Po Binnasuar là hai nhân vật khác nhau