Chế Mân và hai hoàng tử Chế Chí, Chế Năng bị cạm bẫy vua Trần Anh Tông

Written by Putra Podam
In category Nghiên cứu
Oct 6, 2024, 8:04 PM

Chế Mân (Jaya Simhavarman III), trị vì (1285-1307), là vị vua Champa (Raja-di-raja) theo tôn giáo Islam, sắc tộc: Raday (Rhade, Jarai), tên R'cam Mal (hoàng tử Harijit), Raja Kembayat. Sinh ra tại Vijaya-Champa và qua đời tại Vijaya-Champa.

Các vợ gồm: Bhaskaradevi (công chúa người Islam tại Java-Indonesia), Tapasi (công chúa tiểu vương Yavadvipa người Islam tại Mã Lai), Paramecvari (Huyền Trân, công chúa Đại Việt). Vua cha là Indravarman V và người mẹ Gaurendraksmi.

Năm 1285, khi vua cha Indravarman V mất, hoàng tử Harijit lên ngôi, hiệu Jaya Simhavarman III (Chế Mân), đặt kinh đô tại Vijaya.

Theo cách gọi của tộc người Rhade và Jarai tại vùng Vijaya-Degar là R'čam Mal (R'cam Mal là hoàng tử Harijit), con trai của vua Indravarman V và hoàng hậu Gaurendraksmi, lên ngôi lấy vương hiệu là Jaya Simhavarman III, mà tài liệu Trung Quốc gọi là Pou Ti, Raja Kembayat, đức vua Chế Mân, trong quyển "Bidasari and The Djinn" của Ninot Aziz. Là vị vua thứ 12 của Triều đại thứ 11 vào thế kỷ 13. Trị vì từ năm 1285-1307. Kế nhiệm từ vua cha là quốc vương Champa, Indravarman V, đã từng lãnh đạo chống quân Mông Cổ, mà nhà thương thuyền Âu Châu là Marco Polo, nhân dịp ghé thăm Champa vào năm 1288 có nhắc đến.

Quốc vương Chế Mân (R'čam Mal), xây nhiều đền đài tại đồng bằng lẫn trên Cao nguyên. Chế Mân cho xây tháp Po Klong Garai (tại Panrang-Panduranga), tháp Yang Mum (Mẫu thần) tại thị trấn Ayun Pa, tỉnh Gialai, và tháp Yang Prong (thần lớn, thần vĩ đại) tại rừng già Ea Sup, bên cạnh dòng sông Ea H’leo, thuộc xã Ea Rok, huyện Ea Sup, tỉnh Dak Lak. 

Chế Mân là vị vua theo Islam (Hồi giáo) tương đối sớm trong hoàng gia Champa, còn gọi Raja Kembayat. Khi bang giao với thế giới Melayu (các tiểu vương Nam Đảo), Chế Mân kết hôn với công chúa Bhaskaradevi là vương phi con của một đại vương Java (Indonesia). Thứ phi là công chúa Tapasi con gái một tiểu vương Yavadvipa (Mã Lai) và công chúa Huyền Trân (Con vua Trần Nhân Tông-Đại Việt).

Dưới thời vua Chế Mân, quan hệ giữa Champa và Đại Việt tương đối tốt đẹp. Vua nhà Trần (Trần Nhân Tông) hứa đã gã công chúa Huyền Trân cho vua Chế Mân do công lao đánh đuổi quân Nguyên Mông. Lịch sử Đại Việt có ghi Chế Mân nhượng hai châu Ô, Lý ở phía bắc cho Đại Việt, lãnh thổ Champa chỉ còn từ sông Thu Bồn trở vào. Người Champa không công nhận sử liệu do phía Đại Việt tuyên truyền về Chế Mân nhượng hai châu Ô và Lý.

Năm 1292 và 1293, trên đường tiến đánh Java (Indonesia) quân Mông Cổ xin vào bờ mua tiếp liệu nhưng bị Chế Mân từ chối, phải giương buồm đi tiếp.

Năm 1301, cựu hoàng Đại Việt là Trần Nhân Tông, sau khi nhường ngôi cho con là Trần Anh Tông, đi thăm các nước láng giềng. Khi thăm Champa, Trần Nhân Tông được Chế Mân tiếp đãi nồng hậu và ở lại Champa 9 tháng. Để tạ ơn, khi ra về cựu vương hứa gả công chúa Huyền Trân (em gái Trần Anh Tôn) cho vua Chế Mân.

Châu Ô và châu Lý là đề tài tranh chấp giữa Đại Việt và Champa trong thời gian sau đó. Năm 1307, Trần Anh Tôn đặt tên lại hai châu mới này thành Thuận châu (Quảng Trị) và Hóa châu (Thừa Thiên và một phần Quảng Nam ngày nay), rồi giao cho Đoàn Nhữ Hài cai quản. Châu Thuận gồm các huyện Đăng Xương (nay là Triệu Phong), Hải Lăng, Phong Điền, Quảng Điền và Hương Trà. Châu Hóa gồm các huyện Phú Vang, Phú Lộc, Diên Phước và Hòa Vang. Người Champa sống trong các làng La thỉ, Tác Hồng và Đà Bồng nổi lên chống sự cai trị của người Việt. Để trấn an dân Champa, Đoàn Nhữ Hài chấp nhận để người Champa chịu sự quản trị trực tiếp của các nhân sĩ Champa địa phương và cho miễn thuế ba năm.

Tháng 5 năm 1307, vua Chế Mân từ trần. Hung tin đến tai nhà Trần bốn tháng sau đó, tháng 9 năm 1307. Lo sợ em gái (Trần Huyền Trân) bị hỏa thiêu, vua Trần Anh Tông sai quan nhập nội hành khiển thượng thư tả bộc sạ Trần Khắc Chung và quan an phủ sứ Đặng Văn sang Champa phúng điếu rồi tìm kế đưa Trần Huyền Trân chạy trốn về Đại Việt.

Việc gọi là sẽ hỏa thiêu công chúa Huyền Trân khi vua băng hà do nhà Trần đưa ra là hoàn toàn bịa đặt. Chế Mân là vị vua theo Islam (Hồi giáo) nên phải làm thủ tục trong Masjid (Thánh đường) và chôn cất trong vòng 1 ngày. Còn nếu dân chúng làm theo thủ tục Hinduism thì xác người chết được giữ tối đa 7 ngày sau đó phải đưa hỏa thiêu. Cũng như vua Po Rome, chết tại Phú Xuân, nhưng được tín đồ Islam (Hồi giáo) làm thủ tục trong Masjid (Thánh đường), sau đó tín đồ Hinduism làm thủ tục hỏa thiêu mặc dù không có thi hài của nhà vua.

Sau khi vua cha là Jaya Simhavarman III (Chế Mân) qua đời năm 1307, hoàng tử Po Sah (Harijitatmaja) là Jaya Simhavarman IV (Chế Chí) lên thay.

Đại Việt sử ký toàn thư (ĐVSKTT) kể lại cốt truyện hôn nhân giữa Chế Mân và Huyền Trân rất chi tiết và thật li kỳ. Nếu nhìn về khía cạnh lịch sử thì còn mang nhiều điều vừa bí ẩn vừa mâu thuẫn mà Do Minique đưa ra như sau:

Chế Mân có quyền dâng hiến đất đai cho Đại Việt hay không?

Huyền Trân có đủ tư cách pháp lý để lên dàn hỏa hay không?

Tại sao Huyền Trân phải bỏ cung đình chạy trốn?

Đâu là thể diện của một quốc gia Đại Việt?

Đâu là luân lý và đạo đức của công chúa nhà Trần?

 

Hai Hoàng tử: Chế Chí và Chế Năng

 

Jaya Simhavarman IV (Chế Chí hay Chế Dà La), trị vì (1307-1312), là vị vua Champa (Raja-di-raja) theo tôn giáo Islam, sắc tộc: Raday (Rhade, Jarai) và dòng máu Java (Islam). Tên hoàng tử Po Sah, Harijitatmaja. Sinh tại Vijaya-Champa và qua đời năm 1312 tại Đại Việt.

Chế Chí (Hoàng tử Po Sah) là con trai của vua Chế Mân (Jaya Simhavarman III) và người mẹ là chánh hậu Bhaskaradevi (người Islam tại Java). Chế Chí sinh năm 1284 lên ngôi vua vào năm 1307 lúc vừa 23 tuổi, tên hiệu Hoàng tử Harijitatmaja, tên vương giả Jaya Simhavarman IV.

Khi vua Chế Mân mất vào năm 1307 khiến nhiều người Champa đòi lại hai châu Ô, Lý ở phía bắc do Đại Việt chiếm đóng.

Năm 1311-1312, vua Trần Anh Tông (con trưởng vua Trần Nhân Tông và là anh trai của công chúa Huyền Trân) sai quân đi đánh Champa, bắt được Chế Chí đưa về hành cung ở Gia Lâm, phong Chế Chí làm Hiệu Trung Vương, sau đó đổi thành Hiệu Thuận Vương. Chế Chí mất năm 1313 tại Gia Lâm.

 

Jaya Simhavarman V (Chế Năng) hay Chế Đà A Bà Niêm), trị vì (1312 -1318), là vị vua Champa (Raja-di-raja), theo tôn giáo Islam (Hồi giáo), Sắc tộc: Raday (Rhade, Jarai) và dòng máu Java (Islam). Sau khi vua Jaya Simhavarman IV (Chế Chí) bị vua Trần Anh Tông (Đại Việt) bắt năm 1312, Chế Năng (Chế Đa A Ba) lên thay cai quản Champa.

Chế Năng (Jaya Simhavarman V) là con trai của vua Jaya Simhavarman III (Chế Mân) và hoàng hậu Tapasi người Islam tại Java (Yavadvipa), là em trai của Chế Chí (Jaya Simhavarman IV), lên thay và cai quản Champa.

Năm 1314 Chế Năng kéo quân ra Bắc chiếm lại châu Ô và châu Lý. Nhưng bị đẩy lùi bốn năm sau đó. Năm 1318, quân Trần (thời vua Trần Anh Tông) tiến xuống Vijaya (Đồ Bàn), Chế Năng cùng hoàng gia chạy sang Java lánh nạn (quê hương của mẹ là mẫu hậu Tapasi), triều đình Champa bị bỏ trống. Đây là đợt di dân thứ ba của người Champa đi Java và hải ngoại.

 

LINK: Liên kết liên quan

1. 700 năm cuộc tình Chế Mân và Huyền Trân Công chúa (1306-2006)

2. Chế Mân vị vua Champa tộc người Raday (Rhade, Jarai)

3. Minh oan Trần Khắc Chung và Huyền Trân công chúa - Kauthara