Tình hình hoạt động của Hội đồng Sư cả Hồi giáo Bani tỉnh Bình Thuận nhiệm kỳ 2016-2021 và phương hướng nhiệm vụ nhiệm kỳ 2021-2026

Written by Ban Biên tập
In category Tin tức
Mar 17, 2022, 2:11 PM

HỘI ĐỒNG SƯ CẢ  HỒI GIÁO BANI BÌNH THUẬN

Số:           /BC-HĐSC

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Phan Thanh, ngày   tháng  năm 2022

 

BÁO CÁO

TÌNH HÌNH HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG SƯ CẢ HỒI GIÁO BANI TỈNH BÌNH THUẬN

NHIỆM KỲ 2016-2021 và PHƯƠNG HƯỚNG NHIỆM VỤ NHIỆM KỲ  2021 - 2026

 

PHẦN I

TÌNH HÌNH HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG SƯ CẢ HỒI GIÁO BANI TỈNH BÌNH THUẬN NHIỆM KỲ 2016 - 2021

I. KHÁT QUÁT TÌNH HÌNH HOẠT ĐỘNG VÀ TỔ CHỨC HỘI ĐỒNG SƯ CẢ HỒI GIÁO BANI TỈNH BÌNH THUẬN

1. Khái quát tình hình Hội đồng Sư cả nhiệm kỳ 2016 - 2021

          Hội đồng Sư cả Hồi giáo Bani tỉnh Bình Thuận thành lập năm 2012 được UBND tỉnh công nhận là tổ chức tôn giáo theo Quyết định số 2161/QĐ-UBND ngày 31/10/2012. 

          Nhiệm kỳ thứ I, có thời gian kéo dài 4 năm (2012 - 2016), nhiệm kỳ thứ II có thời gian kéo dài 05 năm (2016 - 2021). Nhiệm kỳ II, sau khi Đại hội suy cử 23 thành viên, sau Đại hội được UBND tỉnh chấp thuận công nhận 22 thành viên (10 Sư cả, 10 Imam 40, 01 Katip và 01 Thầy cả vỗ) theo Công văn số 4109 /UBND-KGVX ngày 13/11/2021 (do Tổng Sư cả Xích Mọc thánh đường Thanh Kiết qua đời 20/10/2016) hoạt động cho đến nay. Quá trình hoạt động trong nhiệm kỳ II, Hội đồng Sư cả trải qua 02 lần Hội nghị kiện toàn nhân sự. Cụ thể:

Lần thứ nhất, kiện toàn 04 thành viên do Tổng Sư cả Bá Cạn thánh đường Bình Hòa, Sư cả Thanh Dư thánh đường Cảnh Diễn, Sư cả Khê Châu Lai, Imam 40 Thanh Bình và Thầy cả vỗ Thông Cò qua đời. Theo đó, cơ cấu và bổ sung thêm 04 thành viên Sư cả Dụng Văn Xa thánh đường Bình Thắng, Sư cả Bá Xanh thánh đường Bình Minh, Sư cả Khê Khôi thánh đường Cảnh Diễn và Imam 40 Đặng Nhường. Bầu bổ sung Sư cả Xích Dự - Phó Chủ tịch, Sư cả Thông Trận – Phó Chủ tịch và Imam 40 Dụng Xiên – Phó Chủ tịch Thường trực thay cho Sư cả Thanh Dư.

Lần thứ hai, kiện toàn thêm 03 thành viên do Tổng Sư cả Văn Lương Độ - Chủ tịch Hội đồng Sư cả qua đời. Theo đó, cơ cấu và bổ sung thêm 03 thành viên gồm Imam 40 Đặng Nhường, Sư cả Thông Tạo và Thầy bóng Thông Văn Nhị. Bầu bổ sung Sư cả Xích Dự giữ chức vụ Chủ tịch cho đến hết nhiệm kỳ, Sư cả Bá Xanh – Phó Chủ tịch đến hết nhiệm kỳ.

2. Đặc điểm tình hình chức sắc, tín đồ và cơ sở thờ tự 

Tín đồ Hồi giáo Bani đã định cư lâu đời, sinh sống chủ yếu phân bố trên địa bàn 06/10 huyện, thị xã, thành phố gồm: Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Tánh Linh và Hàm Tân với 4.364 hộ/22.101 khẩu chiếm 1,6% dân số toàn tỉnh và chiếm 23% dân tộc thiểu số ở Bình Thuận. Tín đồ Hồi giáo Bani chủ yếu phân bố trên địa bàn ở 06 xã của 05 huyện: xã Phú Lạc (Tuy Phong), xã Phan Thanh, Phan Hòa (Bắc Bình), xã Hàm Trí (Hàm Thuận Bắc), xã Tân Thắng (Hàm Tân), thị trấn Lạc Tánh (Tánh Linh). Trong đó, tập trung đông nhất tại 02 xã Phan Thanh và Phan Hòa của huyện Bắc Bình, với 14.430 tín đồ. Việc sinh hoạt tôn giáo khép kín trong Thánh đường, có tổ chức giáo hội nhưng không có mối quan hệ quốc tế. 

Chức sắc (giáo sĩ) Hồi giáo Bani ở tỉnh Bình Thuận có có 314 vị (10 Po Gru , 142 Imam 40, 25 Imam cựu, 10 Imam tal, 10 Katip tal, 142 vị Acar), chia làm 4 cấp như sau: cấp Acar (Chang), Katip (Katíp), Imam (Imâm) và Po Gru (Sư cả) với 10 Thánh đường là nơi sinh hoạt tôn giáo và 13 Đền, Lăng là nơi sinh hoạt tín ngưỡng cho chức sắc, tín đồ. Hằng năm, cứ vào tháng Ramawan của Hồi lịch, các chức sắc, tín đồ đều vào Thánh đường để tu niệm. Chính sự kết hợp này đã làm cho đồng bào Hồi giáo Bani bị Chăm hóa độc lập với Hồi giáo chính thống Islam, hay nói cách khác là không chịu sự ảnh hưởng của Hồi giáo bên ngoài.

Toàn tỉnh Bình Thuận hiện nay có 18 cơ sở thờ tự của cộng đồng Hồi giáo Bani (10 Thánh đường, 03 Dinh, 02 Lăng và 03 Đền). Các Thánh đường của người Chăm Hồi giáo Bani được xây dựng rộng rãi, theo lối kiến trúc truyền thống đỉnh hướng Tây ở Việt Nam (hướng của thánh địa Mecca). 

3. Mô hình tổ chức hoạt động của Hội đồng Sư cả Hồi giáo Bani tỉnh Bình Thuận.

          Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, từ tháng 10/2009 UBND tỉnh đã cho phép thành lập Ban Đại diện lâm thời cộng đồng Hồi giáo tỉnh với 11 vị Sư cả và 09 vị Imam 40. Đến ngày 03/12/2010 Sở Nội vụ cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động số 2570/GCN-SNV. Ngày 31/10/2012 UBND tỉnh đã có Quyết định số 2161/QĐ-UBND chấp thuận công nhận tổ chức Hội đồng Sư cả Hồi giáo Bani tỉnh. Hiện nay, tại Bình Thuận mô hình tổ chức tôn giáo của Hồi giáo Bani được chia thành 02 cấp như sau: 

- Tổ chức tôn giáo cấp tỉnh với tên gọi “Hội đồng Sư cả Hồi giáo Bani tỉnh” có 22 thành viên (10 Sư cả, 10  Imam 40, 01 Katip và 01 Thầy vỗ) là các vị chức sắc, Sư cả có uy tín, đạo hạnh của 10 Thánh đường do Đại hội đại biểu chức sắc, tín đồ Hồi giáo Bani Suy cử với nhiệm kỳ 5 năm (2016 - 2021). Ban Thường trực Hội đồng (gồm 9 vị) gồm 01 Chủ tịch, 04 Phó Chủ tịch và 04 Ủy viên.

- Cấp cơ sở tổ chức theo đơn vị từng Thánh đường trong phạm vi làng (Haluw), cấp này được hình thành tại 10 Thánh đường Hồi giáo Bani trong tỉnh gọi là “Ban quản lý Thánh đường hay “Ban Phong tục” đối với thôn Phò Trì bao gồm 7 hoặc 9 thành viên, đứng đầu là Sư cả. Mô hình tổ chức tôn giáo của cộng đồng Hồi giáo Bani tỉnh, Bình Thuận hiện nay được đánh giá là hoạt động ổn định, có hiệu quả trong sinh hoạt tôn giáo. 

4. Tình hình kinh tế - xã hội trong cộng đồng Hồi giáo Bàni. 

Trong nhiệm kỳ qua, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, kinh tế - xã hội vùng đồng bào Chăm theo Hồi giáo Bani ở Bình Thuận những năm gần đây phát triển khá, thông qua việc thực hiện tốt chương trình xóa đói giảm nghèo, các dự án sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là triển khai có hiệu quả Nghị quyết 04-NQ/TU ngày 27/5/2002 của Tỉnh ủy Bình Thuận về phát triển toàn diện dân sinh kinh tế vùng dân tộc thiểu số. Đến nay, 100% xã có người Chăm sinh sống đã được bê tông hóa và nhựa hóa nhựa đến trung tâm xã; 100% xã có điện sinh hoạt, trạm y tế, nhà văn hóa, trường học (từ mầm non đến trung học cơ sở), 100% xã và 90% thôn có hệ thống nước sinh hoạt tập trung. Bản sắc văn hóa, truyền thống tốt đẹp của đồng bào Chăm nói chung Hồi giáo Bani nói riêng được bảo tồn và phát huy, mối quan hệ với các dân tộc anh em được giữ gìn và phát triển, đồng bào ngày càng thể hiện lòng tin vào chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.

 

II. NHỮNG THUẬN LỢI VÀ KHÓ KHĂN TRONG NHIỆM KỲ 2016 – 2021

1. Thuận lợi:

          - Các thành viên trong Hội đồng Sự cả đoàn kết, thể hiện sự quyết tâm, nhất trí trong nỗ lực hướng tới xây dựng một tổ chức tôn giáo cấp tỉnh chuẩn theo quy định của pháp luật; hầu hết chức sắc luôn gương mẫu trong lối sống, thực hiện tốt giáo lý, giáo luật và nghiêm chỉnh chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. 

          - Việc Xây dựng và đựa vào sử dụng Trụ sở Hội đồng Sư cả Hồi giáo Bani tỉnh Bình Thuận tại thôn Thanh Kiết, xã Phan Thanh, huyện Bắc Bình đã giúp công tác hội họp, sinh hoạt tôn giáo và làm việc với các cấp chính quyền được dễ dàng hơn, giảm bớt khó khăn trăm khi phải đi mượn các trụ sở, hội trường của các cấp chính quyền.

          - Hội đồng Sư cả luôn nhận được sự quan tâm của giúp đỡ, hướng dẫn của các Sở, Ban ngành, UBND các huyện, nhất là Ban Tôn giáo (Sở Nội vụ), Ban Dân tộc nên trong công tác tổ chức, hoạt động hội họp luôn được tạo điều kiện thuận lợi, các phương hướng nhiệm vụ nhiệm kỳ 2016 - 2021 cơ bản được Hội đồng Sư cả triển khai thực hiện và hoàn thành tốt. 

- Các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương như: Ban Tôn giáo Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, UBMTTQVN và các Sở, Ban, ngành của tỉnh và địa phương có quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ, thăm hỏi, động viên nhân dịp lễ, tết của đất nước và lễ Ramawan, lễ Suk Yeng của đồng bào Hồi giáo Bani, tất cả điều đó là nguồn động viên tinh thần to lớn cho chức sắc, tín đồ và Hội đồng Sư cả. 

2. Khó khăn:

          - Kinh phí hoạt động của Hội đồng Sư cả còn nhiều khó khăn vì sự đóng góp của các thánh đường, chức sắc, tín đồ là rất hạn chế, một số Thánh đường như Bình Thắng, xã Phan Hòa chưa đóng góp kinh phí hàng năm kịp thời và tham gia đóng góp ủng hộ các phong trào của các cấp chính quyền do Hội đồng Sư cả phát động nên chưa phát huy tốt công tác hành chính đạo sự và liên hệ với cơ quan tổ chức chính quyền. 

          - Trong ba năm qua 2017 đến 2019, các thành viên giữ chức vụ quan trọng Hội đồng Sư cả tại các thánh đường Hồi giáo Bani đã mất do bệnh, (Tổng sư cả Xích Mọc, Tổng Sư cả Bá Cạn, Sư cả Thanh Dư, Sư cả Khê Châu Lai, Thầy cả vỗ Thông Cò, Imam 40 Thanh Bình, Tổng Sư cả Văn Lương Độ - Chủ tịch Hội đồng Sư cả và Imam 40 Dụng Xiên – Phó Chủ tịch Hội đồng Sư cả). Ban Thường trực Hội đồng Sư cả chỉ còn 02 vị Sư cả, 01 vị đã lớn tuổi, có sức khỏe yếu nên khó khăn trong hội họp.

          Đặc biệt, trong năm 2020, nhất là từ khi Bộ Công an triển khai việc cấp Căn cước công dân cho chức sắc, tín đồ Hồi giáo Bani, việc không có Mã số tôn giáo riêng trong phần mềm quản lý dẫn đến phản ứng của một bộ phận tín đồ, gây xáo trộn, tạo ra dư luận không tốt đối với Hội đồng Sư cả. Một bộ phận nhân sỹ, trí thức trẻ bị tác động bởi các thế lực xấu đã kích động chức sắc, tín đồ một số thánh đường (như Bình Thắng, xã Phan Hòa, Vĩnh Hanh, xã Phú Lạc, khu phố Chăm, thị trấn Lạc Tánh) ký đơn kiến nghị tập thể lên Quốc hội, Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ gây mất đoàn kết trong cộng đồng; một bộ phận không nhỏ sử dụng mạng xã hội thường xuyên xuyên tạc không đúng về những việc làm của Hội đồng Sư cả, lên án, đòi tẩy chay, xóa bỏ tổ chức Hội đồng Sư cả rất nguy hiểm và cần phải được quan tâm.

 

III. KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC TRONG NHIỆM KỲ 2016 - 2021

1. Việc xây dựng và củng cố tổ chức Hội đồng Sư cả

          - Việc Xây dựng và đựa vào sử dụng Trụ sở Hội đồng Sư cả Hồi giáo Bani tỉnh Bình Thuận tại thôn Thanh Kiết, xã Phan Thanh, huyện Bắc Bình năm 2018 là thành quả và là nỗ lực vô cùng to lớn của Hội đồng Sư cả. Mặc dù, với sự khó khăn trăm bề nhưng nhờ sự quan tâm của các cấp chính quyền, nhất là Ban Tôn giáo Chính phủ, UBND tỉnh đã hỗ trợ kinh phí để góp phần xây dựng và mua sắm trang thiết bị sử dụng, phục vụ nhu cầu sinh hoạt của Hội đồng Sư cả.

          - Việc củng cố tổ chức cũng được Hội đồng Sư cả quan tâm, trong nhiệm kỳ qua được sự hướng dẫn của Ban Tôn giáo (Sở Nội vụ), sau 02 lần tổ chức Hội nghị kiện toàn nhân sự, Hội đồng Sư cả đã bầu bổ sung 06 thành viên mới (03 Sư cả, 01 Imam 40 và 01 Thầy bóng). Bầu bổ sung 04 chức vụ quan trọng là Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng Sư cả. Trong nhiệm kỳ 2016 - 2021, Hội đồng Sư cả cho phép tấu chức và phong phẩm 02 vị Tổng Sư cả và Phó Tổng Sư cả, 05 vị Sư cả, hơn 30 vị Imam 40. 

          - Việc sửa đổi, bổ sung Quy chế, Quy ước cộng đồng Hồi giáo Bani tỉnh Bình Thuận cũng được Hội đồng Sư cả quan tâm. Việc sửa đổi, bổ sung Quy chế, Quy ước có ý nghĩa quan trọng, vì giúp các chức sắc, tín đồ Hồi giáo Bani trong toàn tỉnh hoạt động theo quy định pháp luật, nhất là Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; qua đó điều chỉnh tất cả các chức sắc, tín đồ Chăm theo Hồi giáo Bani, toàn tỉnh đối với việc thực hiện các nghi thức tôn giáo, giúp các chức sắc, tín đồ trên địa bàn tỉnh tham gia quản lý cộng đồng, gìn giữ và phát huy văn hóa truyền thống; động viên, khuyến khích, tạo điều kiện cho chức sắc tín đồ thực hiện tốt phong tục tập quán, tín ngưỡng tôn giáo cho phù hợp, góp phần thực hiện tốt các chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước. 

2. Công tác tuyên truyền, vận động chức sắc, tín đồ

          - Công tác tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo được Hội đồng Sư cả thường xuyên phối hợp cùng cơ quan chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể làm cầu nối trong việc tăng cường tuyên truyền, vận động làm cho chức sắc, tín đồ hiểu và thực hiện tốt chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.

          - Công tác tham gia các cuộc vận động đồng bào, chức sắc, tín đồ thực hiện phong trào “xây dựng nông thôn mới” “toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc gắn với các phong trào khác ở địa phương như phong trào thi đua theo Chỉ thị 34 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về mô hình thôn văn hóa điểm, điểm khu dân cư bảo vệ môi trường… Qua đó, các thôn, xã đồng bào Chăm như Hàm Trí, Phan Thanh… luôn được chọn là điểm xây dựng nông thôn mới tại các địa phương trong tỉnh. Nhiều thành viên của Hội đồng Sư cả được Bộ Công an, UBMTTQ Việt Nam tỉnh tuyên dương tặng Bằng khen.

- Công tác tham gia phong trào “xây dựng nông thôn mới” ở vùng đồng bào Chăm nói chung và Hồi giáo Bani nói riêng đã được Hội đồng Sư cả đẩy mạnh, có sự lan tỏa tạo sự hưởng ứng tích cực từ chức sắc, chức việc và tín đồ. Ngày càng có nhiều mô hình điểm, thiết thực như “Mô hình chức sắc tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biền đổi khí hậu”, “Mô hình chức sắc bảo vệ an ninh trật tự” đã góp phần cùng chính quyền địa phương xây dựng bộ mặt nông thôn mới tại các thôn, xã.

- Việc tham gia cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chính Minh” của Trung ương cũng được hưởng ứng tích cực. Nhiều vị Sư cả, Imam 40 của các Ban quản lý thánh đường luôn phát huy tinh thần sống “tốt đời đẹp đạo”, gương mẫu trong vận động chức sắc, tín đồ. Đặc biệt, năm 2021 Hội đồng Sư cả vô cùng lấy tự hào và vui mừng khi một tổ chức trực thuộc là tập thể chùa Thanh Kiết, xã Phan Thanh, huyện Bắc Bình được Ban Tuyên giáo Trung ương bầu chọn là cơ sở tôn giáo điển hình của tỉnh Bình Thuận trong “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chính Minh”.

3. Công tác tham gia xây dựng chính quyền cơ sở

          - Công tác tham gia các hoạt động của các cấp chính quyền từ Trung ương tới địa phương được quan tâm và chú trọng thực hiện. Mặc dù là tổ chức tôn giáo mới thành lập và đi vào hoạt động mới gần 10 năm, còn gặp nhiều khó khăn nhưng phát huy truyền thống xây dựng đất nước từ hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Hội đồng Sư cả đã tích cực tham gia các hoạt động của các cấp chính quyền từ Trung ương tới địa phương tổ chức như: Hội nghị Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa tại khu dân cư tại thành phố Hồ Chí Minh, Hội nghị về biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường tại thành phố Huế, Hội nghị trao đổi người có uy tín trong cộng đồng bào Chăm trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ.

          - Công tác tham gia hệ thống chính trị các cấp được Hội đồng Sư cả chú trọng và tạo điều kiện thuận lợi cho chức sắc, tín đồ. Trong nhiệm kỳ qua, có nhiều chức sắc, tín đồ Hồi giáo Bani giữ các chức vụ chủ chốt trong các cấp chính quyền tại địa phương. Trong đó, có nhiều chức sắc là thành viên Hội đồng Sư cả tham gia hệ thống chính trị các cấp (01 vị chức sắc là thành viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, 02 vị cấp huyện, 05 vị cấp xã và 03 vị chức sắc là đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã nhiệm kỳ 2021 - 2026).

          - Công tác vận động chức sắc, tín đồ được quan tâm thực hiện tốt nhất là chích sách Đại đoàn kết dân tộc. Vì vậy, việc giải quyết mâu thuẫn trong nội bộ chức sắc, tín đồ Hồi giáo Bani cũng như phối hợp với các Sở, Ban, ngành liên quan và các cấp chính quyền tham gia giải quyết các vấn đề liên quan luôn được quan tâm. Trong nhiệm kỳ qua, đã tích cực vận động, tuyên truyền cho chức sắc, tín đồ liên quan đến việc cấp thể Căn cứ công dân cho tín đồ Hồi giáo Bani; cùng với đó Hội đồng Sư cả đã vận động chức sắc, tín đồ không nghe theo kể xấu tham gia ký đơn tập thể kiến nghị lên Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ vấn đề liên quan đến tên gọi Hồi giáo Bani. Phối hợp với hệ thống chính trị, chính quyền địa phương trong vùng đồng bào Chăm tổ chức thành công cuộc bầu cử Đại biểu quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. 

4. Công tác tham gia các hoạt động từ thiện xã hội

          - Công tác vận động chức sắc, tín đồ tham gia phòng chống dịch bệnh Covid-19 cũng được Hội đồng Sư cả hưởng ứng, tích cực tuyên truyền, vận động chức sắc, tín đồ tham gia sinh hoạt tôn giáo gọn nhẹ, ít người, an toàn trong tháng Ramawan, các lễ hội tôn giáo, tín ngưỡng; các hoạt động tang ma, cưới hỏi được thực hiện phù hợp với tình hình dịch bệnh COVID-19 tại địa phương. Các trường hợp tín đồ chết do dịch bệnh Covid-19 hoặc chết trong mùa Covid được tạo điều kiện chôn cất phù hợp với phong tục tập quán, đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường, đảm bảo sức khỏe cho cộng đồng.

          - Công tác tham gia các hoạt động từ thiện xã hội cũng được hưởng ứng tích cực, những năm qua, thực hiện lời kêu gọi của các cấp chính quyền Hội đồng Sư cả đã vận động chức sắc, tín đồ ủng hộ nhiều chương trình thiết thực như: Quỹ vì người nghèo, đền ơn đáp nghĩa, ủng hộ đồng bào miền Trung bị lũ lụt, nhiều Ban quản lý thánh đường tặng nhiều suất học bỏng và sách vỡ cho học sinh nghèo khó khăn, tham gia ủng hộ Quỹ Covid-19 với số tiền 9.000.000 đồng.

 

III. KIẾN NGHỊ VÀ ĐỀ XUẤT

 1. Đối với Ban Tôn giáo Chính Phủ: 

           - Giữ nguyên tên gọi của tổ chức tôn giáo là “Hội đồng Sư cả Hồi giáo Bani tỉnh”, tuy nhiên nên xem xét, tham mưu Chính phủ việc cấp Mã số tôn giáo riêng cho cộng đồng Hồi giáo Bani để tránh sự hiểu nhầm là một nhánh của Islam trong hệ thống quản lý và điều hành, qua đó đảm quyền lợi của chức sắc, tín đồ Hồi giáo Bani trong việc tham gia các hoạt động hành chính dân sự, giữ gìn bàn sắc văn hóa truyền thống và tạo sự đồng thuận trong chức sắc, tín đồ, phát huy sức mạnh đại đoàn kết của cộng đồng Hồi giáo Bani trong thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

          - Quan tâm hỗ trợ kinh phí hàng năm để Hội đồng Sư cả hoạt động, nhằm giảm bớt phần nào khó khăn trong công tác phối hợp giải quyết các công việc liên quan đến tôn giáo trong vùng đồng bào Chăm. Cung cấp các đầu sách về pháp luật, các tạp chí tôn giáo để Hội đồng Sư cả nâng cao nhận thức và hiểu biết thêm tình hình trong nước và quốc tế… 

2. Đối với UBND tỉnh:

          - Quan tâm chỉ đạo các Sở, ban, ngành thành thành lập “Tổ phản biện” trên mạng xã hội nhằm giúp đợ, hỗ trợ Hội đồng Sư cả trong việc tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và của tỉnh, đấu tranh với những luận điệu xuyên tạc, sai trái làm ảnh hưởng đến chính sách Đại đoàn kết dân tộc của tỉnh ta nói chung và cộng đồng Chăm Hồi giáo Bani tại tỉnh nói riêng.

          - Có chính sách thu hút, quan tâm bố trí đội ngũ cán bộ, công chức là người dân tộc Chăm trong các lĩnh vực liên quan đến thực hiện chính sách về dân tộc, tôn giáo để kịp thời giúp đỡ, hướng dẫn các tổ chức tôn giáo của người Chăm hoạt động hiệu quả hơn vì hơn ai hết họ là người am hiểu phong tục tập quán của dân tộc mình.

          - Cần có chính sách hỗ trợ lãi suất đối với học sinh, sinh viên người Chăm vay vốn Ngân hàng chính sách xã hội đi học nhưng khi ra trường chưa có việc làm ổn định.

3. Đối với UBMTTQ Việt Nam tỉnh:

          - Có kế hoạch làm việc với các sở, ban, ngành liên quan phối hợp với hai tổ chức tôn giáo người Chăm cùng đội ngũ nhân sỹ trí thức đủ tầm, uy tín trong lĩnh vực Sakawi để tổ chức Hội nghị khoa học thống nhất về Chăm lịch (Sakawi Chăm) giữa hai cộng đồng Hồi giáo Bani và Balamôn giáo nhằm ổn định sinh hoạt tôn giáo, trách mâu thuẫn trong tương lai.

          - Hỗ trợ chương trình tủ sách Pháp luật tại các chùa Hồi giáo Bani trong tỉnh để Hội đồng Sư cả và các chức sắc, tín đồ có cơ hội nâng cao nhận thức và hiểu biết thêm của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

4. Đối với Ban Dân tộc tỉnh:

          - Thực hiện tốt hơn nữa chính sách về dân tộc, quan tâm phát triển các thiết chế văn hóa Chăm nhằm góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa Chăm tại địa phương.

           - Có chính sách bố trí, tuyển dụng cán bộ, công chức làm dân tộc để thuận lợi trong công tác liên lạc, trao đổi, hướng dẫn và phối hợp kịp thời cùng với Hội đồng Sư cả giải quyết các vụ việc tín ngưỡng, tôn giáo liên quan đến vùng dân tộc Chăm. 

          - Hỗ trợ Báo Bình Thuận và các Tạp chí dân tộc để Hội đồng Sư cả và các chức sắc, tín đồ có cơ hội nâng cao nhận thức và hiểu biết thêm của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

5. Ban Tôn giáo (Sở Nội vụ): 

- Có kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng kiến thức tôn giáo, an ninh quốc phòng cho các chức sắc, chức việc của 02 tổ chức tôn giáo đồng bào Chăm hàng năm. 

- Có chính sách bố trí, tuyển dụng cán bộ, công chức làm dân tộc, tôn giáo là người Chăm để thuận lợi trong công tác liên lạc, trao đổi, hướng dẫn và phối hợp kịp thời cùng với Hội đồng Sư cả giải quyết các vụ việc tín ngưỡng, tôn giáo liên quan đến vùng đồng bào Chăm. 

6. Đối với cấp Huyện, cấp xã: 

- Hỗ trợ, giúp đỡ và tạo điều kiện thuận lợi cho Hội đồng Sư cả Hồi giáo Bani tỉnh, Ban Quản lý Thánh đường và Ban phong tục các xã, thôn Hồi giáo Bani truyền bá giáo luật, giáo lý, Quy chế, Quy ước và tổ chức các ngày lễ Suk Yeng, Ramawan,... 

 

 

PHẦN II

PHƯƠNG HƯỚNG NHIỆM VỤ, BIỆN PHÁP VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN NHIỆM KỲ 2021 – 2026

I. PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ CHUNG CỦA HỘI ĐỒNG SƯ CẢ 

          - Tăng cường xây dựng đoàn kết nhất trí cao trong nội bộ Hội đồng Sư cả, trong các chức sắc, tín đồ và Ban Quản lý Thánh đường Hồi giáo Bani trong tỉnh. 

          - Lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn chức sắc, tín đồ trong tỉnh sinh hoạt tôn giáo (nghi lễ tang ma, cưới hỏi, nhập đạo, tấu chức...) theo Quy chế, Quy ước cộng đồng Hồi giáo Bani tỉnh Bình Thuận và quy định của pháp luật. 

          - Thực hiện tốt quan hệ và phối hợp với các cơ quan chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể các cấp, vận động các chức sắc, tín đồ thực hiện tốt các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XV và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII. 

          - Tiếp tục củng cố, xây dựng tổ chức Hội đồng Sư cả kịp thời, vững mạnh, tạo niềm tin trong chức sắc, tín đồ Hồi giáo Bani. Xây dựng cộng đồng Chăm Hồi giáo Bani đoàn kết vững mạnh trong tôn giáo và ngoài tôn giáo. 

          - Tập trung nghiên cứu, biên soạn và hình thành Sakawi (lịch), giáo lý, giáo luật để phổ biến rộng rãi trong chức sắc, tín đồ Hồi giáo Bani. 

 

II. NHIỆM VỤ CỤ THỂ HỘI ĐỒNG SƯ CẢ:

1. Yêu cầu: 

- Hội đồng Sư cả là một tổ chức tôn giáo của cộng đồng Hồi giáo Bani, đại diện cho tín đồ người Chăm theo Hồi giáo Bani ở tỉnh Bình Thuận; được quyền hoạt động theo Quy chế đã được các cơ quan chính quyền phê duyệt. Hội đồng Sư cả bầu ra Ban Thường trực để điều hành toàn bộ các hoạt động mà Nghị quyết của Đại Hội đề ra. 

          - Tuyên truyền, vận động chức sắc, tín đồ trong Hồi giáo Bani nghiêm chỉnh chấp hành các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà Nước.

2. Chỉ tiêu phấn đấu: 

          - Xây dựng tổ chức Hội đồng Sư cả vững mạnh, không có thành viên vi phạm giáo lý, giáo luật và pháp luật. 

          - Hoàn thành trên 70% các hoạt động mà Nghị quyết Đại hội đã đề ra trong nhiệm kỳ 2021 - 2026. 

3. Biện pháp thực hiện: 

          - Tham mưu với Ban Tôn giáo, Ban Dân tộc tỉnh và UBMTTQVN tỉnh tiến hành tổ chức Đại hội, Hội nghị và các ngày lễ, tết lớn trong cộng đồng Chăm Hồi giáo Bani như Ramawan, Suk Yeng... theo đúng quy định của pháp luật. 

          - Tổ chức Hội nghị chuyên đề để thống nhất các lễ nghi tín ngưỡng, tôn giáo trong nội bộ 10 Thánh đường và 01 Ban phong tục; phối hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại để giữ gìn thuần phong mỹ tục và bản sắc văn hóa dân tộc Chăm. 

 

III. NHIỆM VỤ CỤ THỂ CỦA TỪNG TIỂU BAN TRỰC THUỘC HỘI ĐỒNG SƯ CẢ

1. Ban Giáo lý - Phong tục:

- Yêu cầu: 

          + Tiến hành sưu tầm và tập hợp các tư liệu liên quan đến giáo lý, giáo luật và lễ nghi. Biên soạn giáo lý và kinh thánh cơ bản của Hồi giáo Bani để nâng cao trình độ hiểu biết về đạo giáo của tín đồ theo đạo Hồi giáo Bani. 

          + Truyền bá những kiến thức căn bản đã biên soạn trong giáo lý, giáo luật, kinh Coran (Koran) đến 10 Thánh đường.

          + Xây dựng, thiết kế mẫu mã lịch Sakawi đảm bảo tính thẩm mỹ, dễ coi, dễ đọc, dễ nhớ, phù hợp với tính cách của cộng đồng người Chăm. 

          + Lịch Sakawi được sự phê duyệt của 10 vị Po Gru (Sư cả).

- Chỉ tiêu phấn đấu: 

          + Phấn đấu trong nhiệm kỳ (5 năm) sẽ biên soạn các tập sách căn bản về giáo lý, giáo luật. Cụ thể: Tập sách kinh Mruai gahul rak, Mbeng Muk kei, Akarak (hoàn thành vào cuối năm 2025), tập sách về lễ tục tang chế (hoàn thành vào cuối năm 2025). 

          + Phấn đấu trong quý 1/2022 xuất bản lịch Sakawi năm 2022 và tiếp tục xuất bản Sakawi hàng năm.

- Biện pháp thực hiện: 

          + Tập trung các tư liệu đã được sưu tầm, mời một số chức sắc, trí thức Chăm thống nhất nội dung, chương trình biên soạn các tập sách giáo lý, giáo luật và kinh thánh căn bản của Hồi giáo Bani. 

          + Thành lập Hội đồng để đánh giá, nghiệm thu công nhận các nội dung đã biên soạn cho từng loại sách để đảm bảo tính chính xác, phù hợp với truyền thống lâu đời đã được duy trì từ bấy lâu nay và một số điều chỉnh cho phù hợp với xu thế phát triển của xã hội trong cộng đồng Chăm theo Hồi giáo Bani. 

          + Tập trung các tư liệu đã được sưu tầm, mời một số chức sắc, trí thức Chăm am hiểu về Sakawi thống nhất nội dung, chương trình biên soạn lịch Sakawi 2017. 

2. Ban Hòa giải - Giám sát

- Yêu cầu: 

+ Nắm bắt kịp thời các mâu thuẫn nội bộ chức sắc, tín đồ trong từng Thánh đường và giữa các Thánh đường trong quá trình thực hiện Quy chế, Quy ước để có kế hoạch giải quyết, hòa giải đúng theo giáo luật và pháp luật, tránh xảy ra mâu thuẫn kéo dài. 

+ Giúp Hội đồng Sư cả kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết Đại Hội Hội đồng Sư cả, Quy chế, Quy ước của Hội đồng Sư cả ban hành. 

+ Triển khai các nội dung quy định của Hội đồng Sư cả về phong tục tập quán, lễ nghi, giáo luật đến cộng đồng chức sắc, tín đồ Hồi giáo Bani trong tỉnh. 

          + Giám sát việc thu - chi quỹ Hội đồng Sư cả. 

- Chỉ tiêu phấn đấu: 

          + 100%  Thánh đường Hồi giáo Bani trong tỉnh thực hiện nghiêm túc Quy chế, Quy ước của Hội đồng Sư cả. 

          + 90% - 100% các vị chức sắc, giáo sĩ trong mười Thánh đường, các thành viên trong Hội đồng Sư cả không vi phạm đạo đức lối sống của Hồi giáo Bani và pháp luật. 

- Biện pháp thực hiện: 

          + Phối hợp với Ban Kế hoạch xây dựng thống nhất nội dung Quy chế, Quy ước thực hiện nghi lễ, lễ tục (như cưới hỏi, tang chế, phong phẩm,...) sao cho hài hòa giữa xưa và nay phù hợp với tình hình cuộc sống mới hiện nay. 

          + Phối hợp với Ban Giáo lý và Phong tục để xây dựng kế hoạch truyền bá rộng rãi trong mười Thánh đường Hồi giáo Bani về phong tục tập quán, lễ tục, nghi lễ cúng kính, giáo luật để chức sắc, tín đồ Hồi giáo Bani thực hiện. 

3. Ban Tài chính - Kế hoạch:

          - Yêu cầu:

          + Duy trì và phát triển quỹ Hội đồng Sư cả hàng năm. 

            + Chọn thời điểm thích hợp để vận động đóng góp xây dựng quỹ Hội đồng Sư cả. 

          + Ban hành Quy chế chi tiêu nội bộ để trong quý I/2022 để hoạt động chi tiêu tài chính được công khai minh bạch.

          + Lập chứng từ, ghi sổ nhật ký thu chi và báo cáo tài chính hàng quý, 6 tháng, năm.

          - Chỉ tiêu phấn đấu: 

            + Bình quân mỗi năm vận động đóng góp đạt mức tổng số thu từ 10 đến 15 triệu đồng. 

          + Cuối nhiệm kỳ 05 năm đạt mức thu từ 50 đến 60 triệu đồng. 

          + Phối hợp với các Tiểu Ban thực hiện đúng các nghi lễ mà Quy chế, Quy ước đã đề ra. 

          + Thực hiện tốt chế độ báo cáo hàng quý, năm, đăng ký phong chức... của Hội đồng Sư cả theo đúng quy định của pháp luật. 

          - Biện pháp thực hiện:

          + Thành lập mạnh thường quân 10 Thánh đường và 01 Palei.

          + Lên kế hoạch thu chi cụ thể trong năm.

          + Ghi rõ chi tiết thu chi trình Hội đồng Sư cả phê duyệt để thực hiện. 

          + Số tiền chi các hoạt động tuân thủ theo quy chế dự toán thu chi đã được Hội đồng Sư cả phê duyệt. 

          + Hàng năm mỗi Thánh đường, Palei sau tháng Ramawan trích 01 triệu đồng để lập quỹ sinh hoạt liên quan đến hoạt động Hội đồng Sư cả. 

VI. VIỆC TỔ CHỨC THỰC HIỆN 

          - Đại hội suy cử ra Hội đồng Sư cả Hồi giáo Bani tỉnh. Hội đồng Sư cả Hồi giáo Bani tỉnh bầu ra Ban Thường trực. Số lượng các thành viên trong Hội đồng Sư cả căn cứ Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng Sư cả. 

          - Hội đồng Sư cả có trách nhiệm điều hành các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, lễ nghi trong phạm vi nội bộ 10 Thánh đường trong tỉnh Bình Thuận. 

          - Mỗi Haluw thành lập Ban Quản lý Thánh đường ở địa phương để phối hợp với Hội đồng Sư cả tổ chức thực hiện tốt các mục tiêu, phương hướng, Nghị quyết, Quy chế, Quy ước đã được Đại hội thông qua. 

          - Ban Tài chính - Kế hoạch giúp Hội đồng Sư cả thiết kế chương trình và điều hành buổi họp đảm bảo chất lượng, đúng nội dung để buổi họp đạt kết quả cao. 

          - Sau buổi họp Hội đồng Sư cả, Thư ký tổng hợp những kết quả đạt được, cũng như các tồn tại yếu kém trong 6 tháng, 01 năm in thành văn bản gửi xuống mười Thánh đường và một Palei các địa phương thuộc Hồi giáo Bani để Ban Quản lý Thánh đường, Ban phong tục từng Palei triển khai, tuyên truyền cho các chức sắc, tín đồ biết công khai và thực hiện. 

Trên đây là báo cáo tình hình hoạt động của Hội đồng Sư cả Hồi giáo Bani tỉnh Bình Thuận nhiệm kỳ 2016 - 2021 và phương hướng nhiệm vụ nhiệm kỳ 2021 - 2026. Hội đồng Sư cả báo cáo quý vị lãnh đạo, quý vị đại biểu và toàn thể Đại hội được biết./

Nơi nhận:

- Ban Dân vận Tỉnh ủy;

- UMTTQ VN Tỉnh;

- Ban Dân tộc;

- Ban Tôn giáo (Sở Nội vụ);

- Phòng PA02 (Công an tỉnh);

- 10 Ban quản lý Thánh đường;

- Ban phong tục Phò Trì;

- Lưu: VP HĐSC.

TM. HỘI ĐỒNG SƯ CẢ

CHỦ TỊCH

Sư cả Xích Dự

 
 
LINK: TIN LIÊN QUAN
 
1. Quy chế - Tổ chức và hoạt động của Hội đồng Sư cả Hồi giáo Bani tỉnh Bình Thuận nhiệm kỳ 2021-2026
 
2. Đại hội Hội đồng Sư cả Hồi giáo Bani tỉnh Bình Thuận lần III - Nhiệm kỳ 2021-2026 thành công tốt đẹp
 
 
Hình 1,2: Đại hội HĐSC Hồi giáo Bani tỉnh Bình Thuận nhiệm kỳ 2021-2026.