Tác giả: Ts.Putra Podam
Đại học Công nghệ Malaysia (UTM)
File (PDF): Po Haniim Per (Islam Malay) và mối bang giao với Champa
Thế kỷ 15, tại Vijaya, sau các cuộc tấn công vào các năm 1402 và 1446, tới năm 1471 do vua Lê Thánh Tông chỉ huy tấn công Champa, phá hủy kinh đô Vijaya (Thành Đồ Bàn), vua Champa, Trà Toàn bị bắt và chết trên đường tới Thăng Long. Lê Thánh Tông đã sáp nhập các địa khu Amaravati và Vijaya và lập nên thừa tuyên Quảng Nam. Chính giai đoạn này đã dẫn đến người Chăm lần đầu tiên di cư với số lượng lớn sang Campuchia, Malaca, Kelantan, …
Thế kỷ 15, tại Panduranga, giai đoạn Champa và Malaysia có mối quan hệ thân thiết, cuộc viếng thăm của vua Po Kabrah (1460 -1494), vua ảnh hưởng Hồi Giáo (Islam) đã đến Malaysia ngoại giao lân bang với quốc gia cùng tộc người, và ngài đã hứa gả em gái là công chúa Po Sah Ina kết hôn cùng Po Haniim Per, người Malay theo Islam (Po Dharma, 1999, p.5).
Năm 1905, E. Durand, linh mục người Pháp đã từng sinh sống lâu năm tại Bình Thuận có viết một bài khảo luận về Po Sah Ina, mang mã số CAM13 (Notes sur les Champa, BEFEO, 1905, trang 373-377), cho biết Po Sah Ina là chị của vua Po Kathit hay Po Kasit (1421-1448 hoặc 1433-1460 tùy theo dị bản).
Trong khi đó mã số: CM33 thì cho rằng Po Sah Ina là con của vua Po Kathit hay Po Kasit (1421-1448 hoặc 1433-1460 tùy theo dị bản).
Hình 1. Trang đầu CAM13 của EFEO Pháp.
Trong CAM MICROFILM 1 (5), trang 54-70, bản chép tay do Trung Tâm Văn Hóa Chăm Phan Rang thực hiện vào năm 1974, lưu trữ tại Viện Viễn Đông Pháp. Phần đầu câu chuyện Po Sah Ina giống nội dung bản CAM13 viết vào thời Pháp thuộc. Nhưng phần cuối thì khác biệt.
Hình 2. Trang đầu của CAM MICROFILM 1(5).
Cuộc hôn nhân giữa công chúa Po Sah Ina và Po Haniim Per gốc Malay (Hồi giáo chính thống) được diễn ra và hai vợ chồng chung sống hạnh phúc. Tuy nhiên, em ruột của Po Haniim Per là Po Klaong Biruw và người vợ tên là Po Bia Dher Amah Pataih phản đối, vì Po Sah Ina chưa thật sự chính thức trở thành Hồi giáo (Islam), nên tìm cách chia ngăn.
Một hôm Po Haniim Per có chuyến đi xa và dặn Po Sah Ina đúng ba tháng sẽ trở về, đồng thời khi nghe ba tiếng súng thì nàng nhớ ra mở cửa. Po Klaong Biruw biết được lời dặn của anh trai với Po Sah Ina. Khoảng hai tháng sau Po Klaong Biruw nổ ba phát súng báo hiệu, Po Sah Ina tưởng chồng trở về vui mừng ra mở cửa, nhưng nàng rất hỗ thẹn, vì trước mặt không phải là chồng mà là em rễ Po Klaong Biruw. Lần sau nghe lại ba tiếng súng nổ, vì tưởng em rể trêu đùa nên nàng không ra mở cửa. Po Haniim Per đợi mãi không thấy nàng ra mở cửa, tưởng trái tim nàng đã đổi thay nên rời bỏ đi.
Hình 3, 4. Thế kỷ 15, tại nhóm đền Po Sah Anaih, xây thêm một số đền với kiến trúc đơn giản cho công chúa Po Sha Ina (Po Sah Inâ). Phần đền Po Sah Ina hiện nay chỉ còn phần mống. Ảnh Putra Podam.
Po Haniim Per, từ bimong Po Sah Anaih (năm 1995 Sở Văn hóa chính thức gọi Po Sah Ina), Po Haniim Per đến Pajai, sau cùng Ngài đến khu rừng núi mà các dân tộc bản địa gọi núi Ông. Khu vực này là mật khu mà xung quanh là một thung lũng được bao bọc bởi hệ thống núi Ông, núi Baoh Huoi và sông La Ngà. Đây cũng là nơi cư trú lâu đời của các tộc người Churu, Raglai, Kaho, Cham, Mạ, … Chính nơi đây, Po Haniim Per kết giao cưới công chúa Cangua (tộc Raglai).
Không có nhiều tài liệu nói riêng về Po Haniim Per mà chỉ dựa vào tài liệu nói về Po Sah Ina. Sau khi kết giao với công chúa Cangua (tộc người Raglai), Po Haniim Per tiếp tục dạy dân dùng cung săn bắn, tài võ nghệ, truyền bá tư tưởng và đức tin Islam, bảo vệ, che chở người dân, mang đến cuộc sống bình yên cho các sắc dân tại mật khu rừng núi này. Ngài đã qua đời tại khu rừng núi này và được người dân lập đền ghi công lao của Ngài nơi đây.
Dân bản địa xưa ở Lạc Tánh, Tánh Linh, Bình Thuận là các tộc người bản địa, họ từ các triền núi cao Trường Sơn di chuyển xuống thành làng phát rẫy, làm nương, săn bắn để sinh sống ven sông La Ngà khá sớm.
Theo nguồn tài liệu “Văn hóa truyền thống làng Chăm Lạc Tánh” do Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Chăm Ninh Thuận công bố, Nhà xuất bản Nông nghiệp phát hành vào năm 2020 từ trang 114-119 có ghi nhận, các vị vua triều Nguyễn từ Minh Mạng (năm 1824), Thiệu Trị (năm 1843), Tự Đức (năm 1849), Khải Định (năm 1917) đã ban 05 sắc phong cho vị thần hoàng Po Haniim Per.
Không gian thờ phụng Po Haniim Per tọa lạc trên núi Ông, giữa khu rừng nguyên sinh. Di tích Po Haniim Per được xây dựng bằng những tảng đá xếp chồng lên nhau, cao khoảng 1m.
Hàng năm vào tháng 12 Chăm lịch, người Chăm thuộc làng Bicam (lạc Tánh) tổ chức lễ với quy mô lớn cho Po Haniim Per trên núi Ông. Trước tiên người dân phải đến bờ sông để làm lễ thanh tẩy thân thể (Ricaow) trước khi lên núi.
Hình 5. Giáo sĩ (Acar) làm lễ thanh tẩy thân thể (Ricaow) trước khi lên núi hành lễ cho Po Haniim Per.
Hình 6. Nghi lễ thanh tẩy thân thể (Ricaow) của giáo sĩ (Acar) và người dân trước khi lên núi.
Khi đến nơi, tại đền Po Haniim Per, các chức sắc như Imam, Ka-ing, Maduen, Kadhar, … chuẩn bị hành lễ. Các chức sắc đứng trước ngôi mộ đá, đốt trầm, cầu nguyện, sau đó, thực hiện nghi thức tắm và mặc y trang cho Ngài.
Hình 7. Nghi thức tắm và mặc y trang cho Po Haniim Per trên núi Ông. Ảnh: Sưu tầm.
Sau đó, các giáo sĩ (Acar) thực hiện nghi lễ Kamruai (đọc thiên kinh Koran) dưới sự chủ trì của một Imam. Các giáo sĩ (Acar) ngồi đối diện với mộ đá (Makam patuw nisan) [Bia đá (patau nisan) được phủ lớp vải rất cẩn thận. Chú ý: bia đá không nhất thiết là Kut của người Chăm Ahier, bia đá này thuộc phần mộ Chăm Bani (Chăm có đạo) theo Agama Islam] và thực hiện nghi thức cầu nguyện, đốt trầm với khói trầm lan tỏa, các Acar xướng Kinh Koran bằng tiếng Ả Rập với một số Ayat Al-Fathah, Ayat Kusi và một số Du-a khác.
Hình 8. Chức sắc Acar (Hồi giáo dòng Awal) đang Kamruai (Gahul là patau nisan, bia đá) đọc Thiên kinh Koran như Al-Fatihah, Ayat Kusi (Auwa), Ash-shams, Yasin và một số Du-a khác.
Tiếp đến, là một chuỗi nghi lễ Rija harei như: Rija harei lasei hop của người Raglai, Rija harei buh kaong, Rija harei patei kamang và một số nghi lễ khác, …do các chức sắc Ahier đảm nhiệm.
Hình 9. Chức sắc Ahier, đang thực hiện nghi lễ theo tín ngưỡng dân gian cho Po Haniim Per.
Trong chuyến thăm phần mộ (Gahul, Kubur) Po Haniim Per, nghi thức quan trọng nhất là các giáo sĩ (Acar) thực hiện nghi thức Kamruai (đọc thiên kinh Koran), để cầu xin linh hồn dưới ngôi mộ sớm được siêu thoát (surga), bởi vì Po Haniim Per là người Bani Islam (đến từ Malaysia). Sau đó, các thủ tục cùng bái theo dân gian của một số sắc tộc ở nơi đây như người Raglai, Churu, Chăm Kaho, … Đây là một nét văn hóa độc đáo thể hiện sự đoàn kết, gắn bó giữa các cộng đồng dân tộc thiểu sổ tại tỉnh Bình thuận.
Qua câu chuyện tình sử giữa giữa Po Sah Ina và Po Haniim Per cho thấy:
Thứ nhất, cho thấy mối quan hệ thân thiết giữa Champa và Malaysia đã khăng khít từ thế kỷ thứ 15 qua cuộc viếng thăm của vua Po Kabrah (1460 -1494), vua ảnh hưởng Hồi Giáo đã đến Malaysia ngoại giao lân bang với quốc gia cùng tộc người, và ngài đã hứa gả em gái là công chúa Po Sah Ina kết hôn cùng Po Haniim Per, người Malay theo Islam (Po Dharma, 1999, p.5).
Thứ hai cho thấy, vào giai đoạn này, thế kỷ 15, tại Champa vẫn còn đang phân biệt tôn giáo giữa Islam và Hindu mặc dù Islam đã vào Champa từ thế kỷ thứ 10, và Po Kabrah vị vua ảnh hưởng Hồi giáo (Islam).
Thứ ba cho thấy, mối quan hệ giữa Champa và thế giới Hồi giáo nói chung và Malaysia, Indonesia nói riêng đã có từ trước thế kỷ 15.
Theo nhà sử học, Islam vào Champa theo con đường tơ lụa, minh chứng của một số nhà khoa học thì dựa vào hai tấm bia viết bằng tiếng Ả Rập (Arabic) được khai quật ở miền Trung Việt Nam, do Ðô Ðốc người Pháp gởi sang Paris. Bia thứ nhất từ một ngôi mộ có tên Abu Kamil, niên đại 1039. Bia thứ hai có niên đại khoảng 1025- 1035. Dựa vào hai tấm bia trên, ông P. Ravaisse liền viết bài nghiên cứu vào năm 1922, cho rằng hai tấm bia này phát xuất từ miền Nam Champa từ thế kỷ thứ 11 (Ravaisse, 1922, p.247-289).
Một số nhà nghiên cứu khác cho rằng, Islam (Hồi giáo) đã có mặt trong hoàng gia Champa từ thế kỷ 13 (Maspero, 1928, p.13; Lương Ninh, 2004, p.100-101).
Theo Po Dharma, thời kỳ huyền sử mà biên niên sử này gọi là patao jiéng éng hay patao éngkat “vua tự sinh ra” gồm có 5 vị vua: Po Awluah, Po Binnasuar, Po Putik, Po Sulika, Po Klaong Garay. Trong 5 nhân vật huyền sử này, Po Kloang Garay trở thành nạn nhân của nhiều người Chăm viết lách từ mấy thập niên qua. Dựa vào truyền thuyết, một số người Chăm cho rằng đây là đền tháp do Po Klaong Garay xây dựng. Thực tế, đền Po Klaong Garay là công trình xây cất bởi vua Jaya Simhavarman (Chế Mân) vào cuối thế kỷ thứ 14. Sau thế kỷ thứ 15, vua chúa Panduranga biến vua Chế Mân thành một truyền thuyết thần linh của dân tộc bản địa. Những công trình xây dựng hệ thống mương đập của Po Klaong Garay chỉ là tác phẩm của vua Chế Mân để lại. Đây cũng là giai đoạn lịch sử mà dân tộc Champa ở miền nam tìm cách xa lánh dần dần những yếu tố Ấn Giáo ở phía bắc nhằm xây dựng cho mình một nền văn minh mới pha lẫn ba nền văn hóa rõ rệt: Ấn Giáo, Bản Địa và Hồi Giáo.
Từ những cơ sở trên cho thấy, dấu ấn của Hồi giáo (Islam) đã du nhập vào Champa từ khoảng thế kỷ thứ 10 theo con đường tơ lụa và phát triển tùy thuộc từng thời kỳ lịch sử của từng triều đại vua chúa Champa. Đặc biệt khởi sắc từ quốc vương Chế Mân, vị vua ảnh hưởng Hồi giáo khi bang giao với thế giới Melayu, và kết hôn với công chúa Tapasi Majapahit Indonesia. Cũng như vua Chế Bồng Nga, là một vị vua Hồi giáo, khi lên ngôi vua lấy niên hiệu là Sultan Zainal Abidin và cưới công chúa Siti Zubaidah Kelantan-Malaysia, từ đây Ngài đã chấn hưng nhà nước Champa từ một quốc gia suy đồi trở nên hùng mạnh. Đặc biệt, Ngài Sunan Ampel, được vua Champa phái sang đảo Jawa truyền bá Islam và cải đạo cho các tín đồ Hindu. Tiếp theo vua Bố Trì trì, lấy niên hiệu Sultan Wan Abu Abdullah là vị vua Hồi giáo trong danh sách gia phả tại Kelantan-Malaysia. Các giai đoạn sau này như vua Kabrah đến Malaysia và việc gả em gái là công chúa Po Sah Ina kết hôn với Po Haniim Per, người Hồi giáo gốc Malay. Po At, vị vua Hồi giáo đã từng gửi lực lượng 400 thuyền chiến Champa sang giúp Sultan xứ Johor để tấn công quân Bồ Đào Nha ở Melaka-Malaysia. Po Rome chính thức người có danh phận, là thành viên của dòng dõi vương triều theo Hồi giáo tại Malaysia, khi kết hôn với công chúa Hồi giáo, chính thức mang tên Thánh Nik Mustafa, tên đầy đủ là: Nik Mustafa Bin Wan Abul Muzaffar Waliyullah. Và vua trị vì tiểu vương quốc Kelantan-Malaysia hôm nay là dòng giỏi của vua Po Rome. Tiếp nối cha ông, Cei Brei, Tuan Phaow, Katip Sumat, Katip Ja Thak Wa, Thiếu Tướng Les Kosem, Ts. Basiron Abdullah, Ts. Putra Podam, … tín đồ Chăm Bani Islam, Bani Awal ở Kampuchia, Champa và Việt Nam ngày nay tiếp tục gìn giữ mối quan hệ mật thiết giữa Champa và Malaysia nói riêng, giữa Champa với thế giới Malayu và thế giới Hồi giáo nói chung.
LINK: Một số liên kết
1.Po Haniim Per (Islam Malay) và mối bang giao với Champa
2. Tình sử giữa Po Sah Ina (công chúa Bàn Tranh) và Po Haniim Per (Islam Malay)
3. File (PDF): Po Haniim Per (Islam Malay) và mối bang giao với Champa