Kỷ niệm 66 năm Ngô Đình Diệm đàn áp BAJARAKA: (8/9/1958 - 8/9/2024)

Written by Ban Biên tập
In category Tin tức
Sep 7, 2024, 9:13 PM

Tháng 8 năm 1955, Ngô Đình Diệm xóa quy chế trường trung học Sabatier của Pháp ở Ban Mê Thuột thành trường phổ thông chỉ dạy tiếng Việt. Vì không thông thạo tiếng Việt, đa số học sinh người Tây Nguyên phải bỏ học; một số người khác may mắn hơn, như K’Briuh (Sré) Y Bun Sur (Mnong Rlam), Y Gum Ban Ya (Rhade), Nay Bah (Jarai), được chuyển vào trường trung học Pháp (Lycée Yersin) tại Dalat.

Ngày 23 tháng 10 năm 1955, sau khi tổ chức cuộc trưng cầu dân ý nhằm truất phế hoàng đế Bảo Đại để thành lập một thể chế cộng hòa, Ngô Đình Diệm tuyên bố kể từ hôm nay, dân tộc “Thượng” và Chăm phải là công dân pháp lý của nước Việt Nam Cộng Hòa và họ phải tuân theo luật pháp của quốc gia này. Đồng thời, Ngô Đình Diệm cũng quyết định:

- Bãi bỏ quyền sở hữu chủ đất đai dành cho các người dân tộc thiếu số.

- Hủy bỏ những tòa án phong tục của dân tộc thiểu số. 

- Cấm giảng dạy những tiếng dân tộc thiếu số trong các trường tiểu học.

- Đóng cửa Nha Giáo Dục Miền Thượng.

- Chuyển hàng vạn người Kinh lên cao nguyên để khai thác đất đai.

Song song với quyết định này, Ngô Đình Diệm áp dụng gắt gao chính sách đồng hóa các dân tộc thiểu số, buộc họ phải hấp thụ dần dần nền văn hóa Việt Nam

 

Năm 1957, Ngô Đình Diệm đưa ra một dự luật nhằm khai thác tất cả đất đai vùng Cao Nguyên. Để thực hiện mục tiêu ấy, ông ta đưa hàng trăm nghìn người Kinh lên Tây Nguyên vào năm 1955 để xâm chiếm những đất đai mà dân tộc bản địa đã khai phá. Sự hiện diện hàng loạt người Kinh trên Tây Nguyên đặt dưới sự bảo vệ của quân đội Sài Gòn đã làm thay đổi hoàn toàn bản đồ dân cư ở khu vực này. Hơn nữa, những người Kinh giàu có tung ra tiền bạc khai thác các đồn điền rộng lớn để cộng đồng dân tộc Tây Nguyên chỉ còn cách duy nhất là làm thuê cho họ trên những miếng đất trước đây thuộc về sở hữu của những dân thiểu số này. Từ hoàn cảnh kinh tế mới đã phát sinh những cuộc xung đột không lối thoát giữa người Kinh vừa đến định cư và dân bản địa và càng khuyếch đại thêm sự căm thù trong lòng dân tộc Tây Nguyên.

 

Đầu năm 1958 “Mặt Trận Giải Phóng Dân Tộc Thượng” tổ chức bí mật một cuộc họp tại Ban Mê Thuột để bầu một ban lãnh đạo mới.

- Y Bham Enoul (Rhade) được cử làm chủ tịch,

- Y San Niê (Rhade) phó chủ tịch,

- Y Thih Eban (Rhade) tổng thư ký,

- Siu Sip (Jarai) tài chánh,

- Y Ju Eban (Rhade) phụ trách liên lạc,

- Trung úy Y Bhan Kpơr (Rhade) đại diện cho quân đội,

- Thiếu tá Tou Prong Ya Ba (Churu) làm tham mưu quân đội,

- Paul Nưr (Bahnar) đại diện tỉnh Kontum,

- Ybih Aleo, đại diện tỉnh Darlac,

- Touneh Yơh và Touneh Phan (Churu) đại diện tỉnh Lâm Đồng.

Ban lãnh đạo phần đông là dân tộc Rhade, tổ chức thống nhất kế hoạch nhằm đấu tranh chung trong tương lai.

 

Ngày 1/5/1958, “Mặt Trận Giải Phóng Dân Tộc Thượng” tổ chức một phiên họp bí mật tại Ban Mê Thuột, đề nghị thay đổi danh xưng của mặt trận thành: “BAJARAKA”, tức là chữ viết tắt của bốn dân tộc Tây Nguyên (Bahnar + Jarai + Rhade + Kaho).

Trong dịp, mặt trận BAJARAKA đưa ra một nhận định chung về tình hình Tây Nguyên gồm 8 điểm sau đây: 

- Về mặt kinh tế, dân tộc Tây Nguyên chỉ biết làm nô lệ cho những người Kinh định cư, một tập thể nắm giữ hoàn toàn chìa khóa kinh tế ở khu vực cao nguyên.

- Về mặt chính trị, những người Việt định cư tự tôn họ là dân tộc thắng trận và luôn luôn có thái độ trịch thượng đối với dân tộc Tây Nguyên.

- Trong bộ máy hành chánh, các quan chức gốc dân tộc Tây Nguyên được trả lương lúc nào cũng thấp hơn người Việt định cư.

- Trong quân đội, những hạ sĩ quan và sĩ quan Tây Nguyên rất ít được thăng cấp so với người Việt. Hơn nữa, dân tộc Tây Nguyên không được nhận vào trường sĩ quan Việt Nam ở Sài Gòn.

- Tây Nguyên đã trở thành sân khấu của cuộc chiến đẫm máu giữa quân đội Sài Gòn và Việt Cộng mà mục tiêu của cuộc chiến này không liên hệ gì đến dân tộc Tây Nguyên.

- Trên bình diện pháp lý, dân tộc Tây Nguyên phải cúi đầu tuân theo pháp luật Việt Nam, một hệ thống pháp lý hoàn toàn không thích nghi với phong tục, tập quán và tín ngưỡng của dân tộc thiểu số này.

- Trên bình diện giáo dục, những con em Tây Nguyên không còn quyền để học tiếng mẹ đẻ của mình trong những trường tiểu học.

-Trên bình diện y tế, có sự bất công rõ rệt về lương bổng. Một y tá người người Tây Nguyên đuợc trả thù lao khoảng 25 đồng một ngày, trong lúc đó, y tá người Việt lãnh 45 đồng.

 

Tháng 5 năm 1958, mặt trận BAJARAKA phân phát kín cho những thành viên của mình bản nghị quyết đầu tiên viết bằng tiếng Rhade nhằm giải thích rõ mục tiêu của phong trào. Tiếc rằng, tài liệu này bị lọt và tay của tổ chức công an Sài Gòn. Sau khi nghiên cứu kỹ sơ đồ tổ chức của Bajaraka và nhất là tiểu sử của các nhân vật trong ban lãnh đạo, công an Sài Gòn đưa ra kết luận rằng Bajaraka là một mặt trận được một số nhân vật nước ngoài đỡ đầu, đặc biệt là ông De Francis Sherry, nhân viên tình báo CIA của Mỹ có mặt tại Sài Gòn. Kể từ đó, chính quyền Sài Gòn đưa ra một chiến lược nhằm dập tan cho bằng được phong trào đấu tranh này.

 

Ngày 25/7/1958, Y Bham Enoul với tư cách là chủ tịch mặt trận BAJARAKA, đã nhờ ông viện trưởng đại học Michigan của Mỹ nhân dịp sang viếng Việt Nam mang đến ông đại sứ Hoa Kỳ ở Sài Gòn một bức thư với chữ ký của 16 thành viên thường trực của phong trào.

Trong bức thư này, ông Y Bham Enoul yêu cầu sứ quán Mỹ can thiệp với chính phủ Việt Nam nhằm tái lập lại quy chế đặt biệt dành cho dân tộc thiểu số mà nội dung tương tự với quy chế Hoàng Triều Cương Thổ.

Trong một bức thư khác, ghi cùng ngày tháng, ông Y Bham Enoul gởi đến tổng thư ký Liên Hiệp Quốc. Trong bức thư này ông ta nhấn mạnh về số phận hẩm hiêu của dân tộc Tây Nguyên, một tập thể đang trên đà bị diệt vong.

 

Tháng 8 năm 1958, Y Bham Enoul thành lập các ban ngành của BAJARAKA ở từng địa phương, và gởi một văn thư bằng tiếng Pháp cho một số nhà ngoại giao hiện đang tại chức ở Sài Gòn, như đại sứ toàn quyền Pháp, Anh, Ấn độ, Lào, … yêu cầu họ can thiệp với chính quyền Sài Gòn nhằm tái lập trên lãnh thổ Cao Nguyên một quy chế đặt biệt tương tự như quy chế Hoàng Triều Cương Thổ đã được hoàng đế Bảo Đại ban hành vào năm 1951.

 

Nay Luett (Jarai) và Y Ju (Rhade) được giao trách nhiệm mang văn thư đến các nhà ngoại giao hiện đang có mặt ở Sài Gòn. Dù rằng cơ quan tình báo Sài Gòn theo dõi gắt gao, hai thành viên này vẫn tìm cách tìm gặp được các đại sứ, đặc biệt là ông Elbridge Durbow, đại sứ toàn quyền Hoa Kỳ, để giải thích nguyện vọng của dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Trong dịp này đại sứ toàn quyền Hoa kỳ hứa sẽ can thiệp với Ngô Đình Diệm trong khuôn khổ mà quy chế ngoại giao cho phép.

 

Ngày 8/9/1958, Y Bham Enoul gởi một văn thư chính thức cho Ngô Đình Diệm yêu cầu nhà nước Việt Nam phải có một chính sách thích hợp đối với dân tộc Tây Nguyên. Y Dhơn Adrơng và Y Môt Niê được giao nhiệm vụ đưa văn thư đến Sài Gòn. Bản sao của văn thư được gởi đến các tỉnh trưởng ở khu vực Tây Nguyên.

 

Trong tác phẩm của chuẩn tướng Vĩnh Lộc, tổng tư lệnh quân đoàn II của quân đội Sài Gòn, xuất bản vào năm 1965, ông ta đưa ra luận điệu mỉa mai cho rằng BAJARAKA chỉ là một nhóm người “Thượng” man rợ, bất tài và vô học, tìm cách gây rối chống phá nhà nước Việt Nam chứ không phải là một tổ chức chính trị theo đúng nghĩa của nó. Ông ta đưa ra bằng chứng rằng trong những biến cố đã xảy ra từ tháng 9 năm 1957 đến tháng 5 năm 1958, mặt trận BAJARAKA chỉ biết viết một bức thư mà nội dung chỉ chứa đựng “những yêu sách mơ hồ không mục đích, vô căn cứ, núp sau lưng của một nhóm người nước ngoài nhằm phá hoại Việt Nam, tìm cách tái lập lại chế độ thực dân ở quốc gia này. Mặt trận BAJARAKA còn tuyên bố rằng dân tộc Tây Nguyên là những sắc dân có phong tục và nguồn gốc văn hóa riêng biệt không có liên hệ gì với văn hóa người Việt. Khốn thay, ở Việt Nam chỉ có khoảng 500.000 người Thượng, nhưng họ chia thành 34 bộ lạc khác nhau, thế thì làm sao mà những kẻ “man rợ” (sauvage) ấy đòi hỏi thành lập một quốc gia độc lập trên Cao Nguyên?”.

 

Ngày 8 tháng 9 năm 1958, Ngô Đình Diệm ra lệnh đàn áp thẳng tay mặt trận BAJARAKA, bắt những người lãnh đạo của tổ chức như:
1- Y Bham Enoul (Rhade),
2- Paul Nưr (Bahnar),
3-Nay Luett (Jarai),
4-Y Thih Eban (Rhade),
5- Touneh Yoh (Churu),
6- Y Ju Eban (Rhade),
7- Y Bih Aleo (Rhade), …

Đưa vào trại giam ở Dalat. Sau đó riêng Y Bih Aleo được thả tự do, vì cơ quan an ninh Việt Nam cho rằng Y Bih Aleo không phải là thành viên tích cực của phong trào BAJARAKA.

 

Kỷ niệm 66 năm (8/9/1958 - 8/9/2024), ngày Ngô Đình Diệm (Tổng thống Đệ nhất Việt Nam Cộng Hòa từ năm 1955 sau khi thành công trong việc phế truất vua Bảo Đại, cho đến khi bị lật đổ vào năm 1963) đàn áp mặt trận BAJARAKA sau khi dùng chính sách Tây tiến lên khu tự trị của sắc tộc bản địa Tây Nguyên (nối tiếp chính sách Nam tiến của Đại Việt).

“Mặt Trận Giải Phóng Dân Tộc Thượng” cũng như tổ chức “BAJARAKA” nhắc cho thần dân Champa (Rhade, Jarai, Cham, Churu, Raglai, Kaho, Bahnar, Stieng, …) nhớ đến tinh thần bất khuất, kiên cường của bậc trí thức và các dân tộc bản địa sống trong chế độ Việt Nam Cộng Hòa.

Cuộc khởi nghĩa trên một lần nữa đã khẳng định về lòng yêu nước, sự gan dạ, dũng cảm, quyết tranh đấu và sẵn sàng hy sinh vì sự độc lập của dân tộc và mong muốn khôi phục lại quyền bản địa, tái lập trên lãnh thổ Cao Nguyên một quy chế đặt biệt tương tự như quy chế Hoàng Triều Cương Thổ đã được hoàng đế Bảo Đại ban hành vào năm 1951.

Thành viên “Mặt Trận Giải Phóng Dân Tộc Thượng” cũng như thành viên của tổ chức “BAJARAKA” sẽ luôn được thần dân Champa tôn vinh và nhớ ơn như những vị anh hùng dân tộc.

Hình 1. Y Bham Enuol sinh năm 1923 là sáng lập viên của phong trào Bajaraka (1958-1964), sau đó Chủ Tịch Mặt Trận Giải Phóng Cao Nguyên Champa (1964-1975) tức là một thành viên nằm trong tổ chức đấu tranh liên hiệp mang tên là Fulro (Mặt Trận Thống Nhất Đấu Tranh Của Các Sắc Tộc Bị Áp Bức) có trụ sở tại Campuchia. Ghi chú: Y Bham Enuol, là Chủ Tịch “Mặt Trận Giải Phóng Cao Nguyên Champa” (tức Chủ tịch Mặt trận 1, chứ không phải Chủ tịch FULRO), Chủ tịch FULRO là Quốc vương Norodom Sihanouk, là Thái thượng vương của vương quốc Campuchia. Ảnh: Sưu tầm.

 

 

Hình 2. Paul Nưr (7/7/1925 - ?), làng Kon Rơ Bang, tỉnh Kon Tum, Liên bang Đông Dương, là giáo viên, công chức, lãnh đạo người thượng, dân tộc Bahnar, từ năm 1963 đến năm 1965 làm Phó Tỉnh trưởng tỉnh Kon Tum, và giữ chức Tổng trưởng Bộ Phát triển Sắc tộc Việt Nam Cộng Hòa. Sau biến cố 30/4/1975, Paul Nưr bị chế độ mới bắt đưa đi cải tạo tập trung và chết trong tù. Ảnh: Sưu tầm.

Hình 3. Nay Luett (3/5/1935 – 1983), là quan chức, chính khách và nhà lãnh đạo người Thượng dân tộc Jarai (thành viên sáng lập BAJARAKA).  Từng giữ chức Tổng trưởng Bộ Phát triển Sắc tộc Việt Nam Cộng Hòa. Sau biến cố 30/4/1975, ông Nay Luett bị chính quyền mới bắt giữ, giam cầm trong điều kiện khắc nghiệt trong 9 năm rồi được thả, và qua đời tại tư gia ngay sau đó. Ảnh: Sưu tầm.

 

Hình 4. Hiệu kỳ “Mặt trận Giải phóng Champa” (1962 - 1975). Tiếng Pháp (Front pour la libération du Champa; viết tắt FLC), là một tổ chức hoạt động tại tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận và Tây Nguyên Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Y Bham Enoul và Les Kosem. Ảnh: Fulro.

Ý Nghĩa: Hiệu kỳ Champa (tiếng Chăm: Dok Champa), gồm 9 sọc đỏ và trắng xen kẽ nhau nằm ngang đại diện cho tư cách bình đẳng và bên trái có một hình chữ nhật màu trắng xanh mang trăng lưỡi liềm (Aia Bulan) và ngôi sao 5 cánh (Batuk). Ngôi sao 5 cánh đại diện cho sự thống nhất giữa các tiểu bang như Indrapura, Amaravati, Vijaya, authara và Panduranga. Lưỡi liềm đại diện cho Hồi giáo là quốc giáo của Champa; nền xanh da trời tượng trưng cho sự thống nhất của nhân dân Champa; ngôi sao và lưỡi liềm trước đó màu vàng là màu hoàng gia Champa, nhưng nay Champa không còn vua nên đổi thành màu trắng (Quốc gia Hồi giáo không còn vương).

 

LINK: Liên kết

1. Y Bham Enoul - Lãnh tụ mặt trận FLC Giải phóng Cao Nguyên …

2. Vì sao FULRO mang tên “Mặt trận giải phóng Champa” và hiệu kỳ Hồi giáo

3. Quá trình hình thành hiệu kỳ Fulro và Champa