Từ khi khi Ngô Đình Diệm trở thành Tổng thống Đệ nhất Việt Nam Cộng hòa từ năm 1955 sau khi tổ chức cuộc trưng cầu dân ý nhằm phế truất hoàng đế Bảo Đại, Tổng thống Ngô Đình Diệm thực hiện chính sách Tây tiến (tiến lên Tây Nguyên) sau khi Đại Việt đã hoàn thành chính sách Nam tiến (tiến chiếm Champa).
Đỉnh cao vào ngày 23 tháng 10 năm 1955, Ngô Đình Diệm tuyên bố dân tộc “Thượng” và Chăm phải là công dân pháp lý của nước Việt Nam Cộng Hòa và họ phải tuân theo luật pháp của quốc gia này Đồng thời, Ngô Đình Diệm cũng quyết định:
- Bãi bỏ quyền sở hữu chủ đất đai dành cho các người dân tộc thiếu số.
- Hủy bỏ những tòa án phong tục của dân tộc thiểu số.
- Cấm giảng dạy những tiếng dân tộc thiếu số trong các trường tiểu học.
- Đóng cửa Nha Giáo Dục Miền Thượng.
- Chuyển hàng vạn người Kinh lên cao nguyên để khai thác đất đai và xâm chiếm đất đai của dân tộc bản địa.
Song song với quyết định trên, Ngô Đình Diệm áp dụng gắt gao chính sách đồng hóa các dân tộc thiểu số, buộc họ phải hấp thụ dần dần nền văn hóa Việt Nam
Năm 1955 tại Darlac đã xuất hiện "Mặt trận Giải phóng Dân tộc Thượng" (tiếng Pháp: Front de Libération des Montagnards, FLM) do sắc tộc Rhade đề xướng để phản đối chính sách của chính phủ Ngô Đình Diệm. Đến Tháng 5/1955 với sự hưởng ứng của các sắc tộc khác thì phong trào lấy tên BAJARAKA, danh xưng kết hợp bốn sắc tộc lớn: Bahnar, Jarai, Rhade, Kaho.
"Mặt trận Giải phóng Champa" (tiếng Pháp: Front pour la libération du Champa; viết tắt FLC) là một tổ chức của Tây Nguyên và Chăm được thành lập vào năm 1962 dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Y Bham Enoul và viên tướng nhảy dù Les Kosem người Khmer gốc Champa.
Ngày 20 tháng 9 năm 1964, tại Kampuchea dưới sự chủ tọa của quốc vương Norodom Sihanouk, "Mặt trận Thống nhất Đấu tranh của các Sắc tộc bị Áp bức" được thành lập (tiếng Pháp: Front Uni de Lutte des Races Opprimées, FULRO).
- Vua Norodom Sihanouk: Chủ tịch Fulro (Vua Kampuchea).
- Thống tướng Lon Nol: Phó chủ tịch Fulro (Khmer Kampuchea)
- Thiếu tướng Les Kosem: Phó chủ tịch Fulro (Khmer Kampuchea gốc Champa)
Tổ chức FULRO gồm 3 mặt trận:
1. Mặt trận Giải phóng Champa (Front de Libération du Champa, FLC), do Y Bham Enoul làm chủ tịch.
2. Mặt trận Giải phóng Kampuchea Krom (Front de Libération du Kampuchea Krom, FLKK), do Chau Dera làm chủ tịch.
3. Mặt trận Giải phóng Kampuchea Bắc (Front de Libération du Kampuchea Nord, FLKN) tức FULRO Khmer Thượng.
Từ "Mặt trận Giải phóng Champa-Fulro" (Front de Libération du Champa, FLC), do Y Bham Enoul làm chủ tịch. Sau này đổi thành "Mặt trận Giải phóng Cao Nguyên Champa-Fulro", do Y Bham Enoul (Chủ tịch) và Les Kosem (Phó Chủ tịch).
Từ "Mặt trận Giải phóng Cao Nguyên Champa-Fulro", sau này mộ số người đề nghị đổi thành "Mặt trận Giải phóng Dega-Chàm", Y Bham Enoul (Chủ tịch), nhưng lãnh đạo tối cao Fulro và đa số Fulro không đồng ý.
Từ hàng loạt tổ chức và mặt trận ra đời để chống chính sách Sài Gòn,...
Ngày 28 tháng 1 năm 1964, Nguyễn Khánh, thủ tướng chính phủ, tổ chức một hội nghị để giải quyết những vấn đề dân tộc thiểu số ở miền trung Việt Nam. Năm mươi lăm đại biểu gốc Tây Nguyên và Chăm tham dự, trong số đó có Y Bham Enoul, Paul Nưr và Touprong Yaba.
Ngày 5 tháng 5 năm 1964, thủ tướng Nguyễn Khánh trả lời nguyện vọng của dân tộc thiểu số tại hội nghị, bằng cách ký một sắc lệnh đổi Nha Công Tác Miền Thượng thành Nha Đặc Trách Thượng Vụ. Đại tá Nguyễn Phi Phụng (người Việt) được cử làm giám đốc. Việc quyết định đưa Nguyễn Phi Phụng làm giám đốc Nha Đặc Trách Thượng Vụ vừa mới thành lập chỉ làm cho dân tộc thiểu số càng không tin vào chính sách của Sài Gòn đối với Tây Nguyên.
Tiếp theo sắc lệnh, Nguyễn Khánh có một cuộc đàm thoại với các đại diện Tây Nguyên vào ngày 9 tháng 5 năm 1964 tại Sài Gòn. Trong cuộc gặp gỡ này, phái đoàn Tây Nguyên đưa ra yêu sách:
1. Thiết lập một qui chế đặc biệt dành cho dân tộc Tây Nguyên tương đương với qui chế Hoàng Triều Cương Thổ của hoàng đế Bảo Đại.
2. Tăng số lượng công chức, quân nhân Tây Nguyên trong các sự vụ hành chánh và quân sự Việt Nam.
3. Tái lập những tòa án phong tục cho người Tây Nguyên.
4. Công nhận quyền sở hữu đất đai của dân tộc Tây Nguyên.
Tháng 6 năm 1964, năm đánh dấu một khúc quanh mới trong tổ chức BAJARAKA. Y Thih Eban buộc phải rời trại lính Buôn Sarpa để nhậm chức phó tỉnh trưởng tỉnh Lâm Đồng. Trước khi lên đường, Y Thih Eban giao quyền điều khiển BAJARAKA cho Y Dhơn Adrơng tại trại lính. Sau vài ngày, Y Dhơn Adrơng (Rhade), Y Nhuin Hdok (Rhade) và trung úy Y Nham Eban (Rhade) tham gia phiên hợp với hai nhân vật chính của Fulro là đại tá Lès Kosem và đại tá Um Savuth (Khmer Krom) tại biên giới Việt-Khmer. Trong cuộc bàn thảo, Lès Kosem giải thích rằng BAJARAKA phải đảm trách sứ mạng lịch sử đó là giải phóng Tây Nguyên, được xem như là một khu vực quan trọng trong lãnh thổ cũ của vương quốc Champa. Theo Lès Kosem, dân tộc Tây Nguyên không nên tập trung mọi nổ lực vào đấu tranh để xin chế độ Sài Gòn ban cho một vài quyền lợi xã hội, vì mục tiêu đó không đem lại sự ủng hộ chính trị của nước ngoài. Mặt khác, dân tộc Tây Nguyên là thần dân của vương quốc Champa, chính vì thế Lès Kosem kêu gọi phong trào BAJARAKA nên tham gia vào Mặt Trận Giải Phóng Champa, là một trong những tổ chức liên minh của mặt trận Fulro.
Phái đoàn BAJARAKA do Y Dhơn Adrơng hướng dẫn đã chấp nhận đề nghị của Lès Kosem là tổ chức BAJARAKA sẽ chiến đấu dưới ngọn cờ chung của Mặt Trận Giải Phóng Champa-Fulro. Sau đó, Y Dhơn Adrơng, Lès Kosem và Um Savuth phát họa bản thảo đầu tiên hiệu kỳ của tổ chức liên minh đấu tranh mang tên Fulro. Hiệu kỳ Fulro gồm ba băng ngang màu xanh da trời, đỏ và xanh lá cây, biểu tượng cho ba mặt trận: Mặt Trận Giải Phóng Kampuchea Krom, Mặt Trận Giải Phóng Champa, Mặt Trận Giải Phóng Kampuchea Phía Bắc. Trên băng giữa màu đỏ là ba ngôi sao màu trắng biểu hiện cho sự đoàn kết của ba dân tộc: Khmer, Tây Nguyên và Chăm.
Hình 1. Hiệu kỳ FULRO (1968 - 1992), do Y Bham Enoul (Rhade), Les Kosem (Chăm Campuchia), Um Savuth (Khmer Krom) và một số đại diện thống nhất vẽ lá cờ FULRO.
Ngày 25 tháng 8 năm 1964, tại Dalat, thủ tướng Nguyễn Khánh tổ chức hội nghị lần thứ hai về dân tộc thiểu số nhằm nghiên cứu những nguyện vọng của người Tây Nguyên và Chăm miền trung Việt Nam. Cuối tháng 8 năm 1964, tướng Nguyễn Hữu Có, tư lệnh quân đoàn II tại Pleiku, tiếp đón một phái đoàn Tây Nguên khác do ông Y Bham Enoul hướng dẫn gồm có các ông Paul Nưr, Y Dhé Adrơng, Y Chôn Mlô Duôn Du, Touneh Hàn Thọ, … Một lần nữa, người Tây Nguyên đòi hỏi tái lập qui chế tương tự như qui chế Hoàng triều cương thổ trên Cao Nguyên. Nhưng chính quyền Sài Gòn từ chối yêu sách.
Trong cuộc họp của Hội Đồng Tối Cao Fulro tại Phnom-Penh vào cuối tháng 8 năm 1964, Lès Kosem chứng minh rằng tất cả những hội nghị do chế độ Sài Gòn tổ chức với người Tây Nguyên từ đầu năm 1964 đến nay chỉ là một chiến lược chính trị nhằm ru ngủ dân tộc thiểu số chứ không phải là một thiện chí giải quyết nguyện vọng và yêu sách của người Tây Nguyên. Theo Lès Kosem, chính quyền Sài Gòn chỉ cứu xét những yêu sách của dân tộc Champa và trở lại bàn hội nghị để giải quyết vấn đề thiểu số ở miền trung Việt Nam, khi nào dân tộc Champa chấp nhận vùng dậy đấu tranh vũ trang. Theo Lès Kosem, chiến tranh không phải là một mục đích nhưng là một phương tiện để buộc chế độ Sài Gòn trả lời cho các yêu sách của các dân tộc bị họ áp bức. Chính vì thế, Lès Kosem quyết định thành lập lực lượng vũ trang chống lại chính quyền Việt Nam.
Ngày 19 tháng 9 năm 1964, sau khi quyết định đặt tổng hành dinh chiến đấu tại đồn lính Le Rolland nằm ngay trên biên giới Khmer-Việt, đại tá Lès Kosem, đại tá Um Savuth và Y Dhơn Adrơng ra lệnh cho lực lượng vũ trang của Fulro vùng dậy. Trại lính Buôn Sarpa của chế độ Sài Gòn nằm ở phía tây nam Ban Mê Thuột là cứ điểm quân sự đầu tiên mà lực lượng vũ trang Fulro đã chọn trong dự án quân sự để đánh dấu ngày ra đời của mặt trận Fulro. Lúc 10 giờ ngày 19 tháng 9 năm 1964, thừa lệnh của đại tá LèsKosem, đại diện cho tổ chức Fulro trong trại Buôn Sarpa thông báo với đại úy Charles Darnell, chỉ huy binh lính Mỹ đóng tại trại lính này: Fulro sẽ tấn công đồn Sarpa trong đêm nhưng không nhắm vào lực lượng Hoa Kỳ.
Đúng một giờ sáng ngày 20 tháng 9 năm 1964, Mặt Trận Giải Phóng Champa-Fulro bắn tia đạn đầu tiên nhằm báo hiệu sự vùng dậy của tổ chức trên toàn khu vực cao nguyên miền trung Việt Nam. Vài giờ sau, lực lượng Mặt Trận Giải Phóng Champa-Fulro đã làm chủ tình hình trại lính Buôn Sarpa, bắt tất cả binh lính Sài Gòn có mặt ở trại và bắt thêm sáu người Mỹ làm tù binh. Y Dhơn Adrơng đứng dậy phất cờ Fulro và đọc bản tuyên cáo trước tù binh Việt Nam và Mỹ với nội dung như sau: Mặt trận Fulro cương quyết giải phóng Kapuchea Krom và Champa ra khỏi ách thống trị của Việt Nam. Bản tuyên bố chính thức đã được ba vị lãnh đạo Fulro ký tên, Thiếu tướng Châu Dara nhân danh dân tộc Khmer, Chủ tịch Y Bham Enoul nhân danh dân tộc Tây Nguyên và Po Nagar (biệt hiệu của Thiếu tướng Lès Kosem) nhân danh dân tộc Chăm.
Cùng ngày 20 tháng 9 năm 1964, lực lượng Fulro tấn công trại lính Bu Prang, Ban Đôn, Buôn Mi Ga và Buôn Brieng thuộc tỉnh Darlac. Lúc 7 giờ cùng ngày, lực lượng của mặt trận tiến thẳng về thành phố Ban Mê Thuột và chiếm đài phát thanh để phổ biến những yêu sách của Fulro. Một đơn vị khác của Fulro tiến thẳng đến tư gia của Y Bham Enoul và đưa Y Bham Enoul đến trại Le Rolland gặp đại tá Lès Kosem.
Sau khi làm chủ thành phố Ban Mê Thuột, lực lượng Fulro phổ biến truyền đơn mang chữ ký của ba vị lãnh đạo: Châu Dara, Y Bham và Po Nagar (Lès Kosem), yêu cầu chế độ Sài Gòn phải thực thi một số yêu sách như sau:
1. Chấp nhận có một số ghế bộ trưởng gốc dân tộc thiểu số trong nội các chính phủ ở Sài Gòn.
2. Chấm dứt sự thuyên chuyển những công chức và binh lính Tây Nguyên đến các vùng duyên hải.
3. Áp dụng chính sách bình đẳng giữa dân tộc thiểu số và người Việt.
4. Trao trả lại cho các dân thiểu số những đất đai mà người Kinh xâm chiếm.
Ngày 20 tháng 9 năm 1964, George Tanham, nhân viên Rand Corporation là tổ chức đội hình của cơ quan tình báo Mỹ, gặp Maxwell Taylor, đại sứ Hoa Kỳ tại Sài Gòn, có sự hiện diện của tướng William Westmoreland, tổng tư lệnh quân đội Mỹ tại Việt Nam, để báo cáo về sự nổi dậy của lực lượng Fulro tại Buôn Sarpa, nhất là tình hình tù binh người Mỹ bị Fulro bắt làm con tin.
Hình 2. Bản đồ Darlac cuộc nổi dậy đúng 1 giờ sáng ngày 20 tháng 9 năm 1964 tại Ban Mê Thuột, Mặt Trận Giải Phóng Champa-Fulro bắn tia đạn đầu tiên nhằm báo hiệu sự vùng dậy của tổ chức này trên toàn khu vực cao nguyên miền trung Việt Nam. Ảnh: Sưu tầm.
Hình 3. Vị trí gần đúng của Trại Le Rolland, tỉnh Mondulkiri (Approxiamte location of Camp Le Rolland, Mondulkiri province). Ảnh: CNE (Cambodia News English).
Ngày 21 tháng 9 năm 1964, thành phố Ban Mê Thuột vắng bóng người, các cư dân người Kinh không ai dám ra đường vì sợ những người Tây Nguyên trả thù. Cùng trong thời gian đó, đại tá John Freund, cố vấn quân đoàn II Việt Nam ở Pleiku, tình nguyện đến Buôn Sarpa để giải quyết sự khủng hoảng và cứu nguy cho những tù binh Hoa Kỳ. Từ tổng hành dinh ở biên giới Khmer-Việt, Lès Kosem gởi một bức thư cho John Freund để thông báo Fulro sẵn sàng rút quân và trả tự do cho các tù binh Mỹ với điều kiện là tất cả cư dân người Kinh phải rời khỏi khu vực Tây Nguyên. Đại tá John Freund trả lời ông ta không có thẩm quyền để trả lời cho những yêu sách đó. Thế là Lès Kosem ra lệnh bắt giữ luôn đại tá John Freund để làm con tin cho đến khi nào quân đội Mỹ giải quyết những yêu sách của Fulro. Tài liệu Fulro cũng đề cập đến việc Lès Kosem yêu cầu quân đội Mỹ chấp thuận cho lực lượng Fulro thành lập “khu quân sự bất khả xâm phạm” (zône militaires exclusives) trên lãnh thổ miền trung Việt Nam, tiếp tế lương thực và súng đạn cho Fulro. Đó là yêu sách của Fulro mà quân đội Hoa Kỳ phải thỏa thuận để tù binh Mỹ được trả tự do.
Tại Sài Gòn, chính quyền Việt Nam bày tỏ sự phẫn nộ về cuộc vùng dậy của Fulro ở Tây Nguyên. Thủ tướng Nguyễn Khánh, nhà lãnh đạo Việt Nam đầu tiên lên tiếng tố cáo có sự nhúng tay của quân đội Mỹ trong biến cố này và hăm dọa sẽ dùng vũ lực để dập tắt quân phiến loạn nếu Fulro không rút lực lượng ra khỏi Tây Nguyên trong một thời gian đã ấn định.
Từ tổng hành dinh ở Le Rolland tại biên giới, Lès Kosem ra lệnh lực lượng Fulro phải cảnh giác về sự hăm dọa của thủ tướng Nguyễn Khánh và tuyên bố nếu chế độ Sài Gòn tấn công đơn vị Furo, Lès Kosem sẽ ra lệnh xử tử tức khắc tất cả những tù binh Hoa Kỳ và Việt Nam. Trước sự hăm dọa đó, tướng William Westmoreland, tổng tư lệnh quân đội Mỹ tại Việt Nam, yêu cầu tướng Nguyễn Hữu Có, tư lệnh quân đoàn II tại Pleiku, không nên sử dụng vũ lực để giải quyết vấn đề Fulro. Theo William Westmoreland, dùng giải pháp quân sự chỉ gây thêm nguy cơ cho tính mạng của tù binh Mỹ ở trại lính Buôn Sarpa
Ngày 22 tháng 9 năm 1964 một hội đàm giữa Maxwell Taylor, đại sứ Hoa Kỳ, tướng William Westmoreland có sự hiện diện của một số sĩ quan Mỹ đã diễn ra tại Sài Gòn để đánh giá tình hình tù binh Mỹ tại Buôn Sarpa và cứu xét những yêu sách của Fulro. Qua cuộc hội đàm, người Mỹ nghĩ rằng những điều kiện của Fulro đưa ra có thể giải quyết bằng con đường thương thuyết.
Cùng lúc đó, những tướng lãnh Việt Nam, nhất là tướng Nguyễn Hữu Có, tư lệnh quân đoàn II, tố cáo quân đội Mỹ nhúng tay trong sự nổi dậy của Fulro. Theo tướng Nguyễn Hữu Có, người Mỹ thành lập “lực lượng đặc biệt” (spécial forces) nhằm huấn luyện đội ngũ vũ trang dành cho dân tộc thiểu số. Chính các “lực lượng đặc biệt” ấy là những đơn vị đã góp tay vào sự nổi dậy của Fulro ở Buôn Sarpa. Chính vì thế, quân đội Mỹ từ chối đàn áp lực lượng phản động Fulro.
Hình 4. Bản đồ hướng tiến quân của lực lượng Fulro của cuộc nổi dậy 20/9/1964. Ảnh: Sưu tầm.
Ngày 22 tháng 9, thành phố Ban Mê Thuột vẫn ở trong tình trạng “bất ổn” bởi cuộc nổi dậy của Fulro. Cư dân người Việt sống trong sự lo vì sợ sẽ bị trả thù. Để trấn áp dân chúng, tướng Nguyễn Hữu Có ra lệnh cho lực lượng không quân phải áp dụng tình trạng báo động thường trực để chuẩn bị tấn công những đoàn quân Fulro bất cứ lúc nào.
Cùng ngày 22 tháng 9 năm 1964, đại tá Lès Kosem yêu cầu thủ tướng chính phủ Sài Gòn đề cử tướng Lê Văn Kim và tướng Tôn Thất Đính mà Lès Kosem đã từng quen biết trong những khóa quân sự ở Pháp, làm người trung gian để giải quyết những khủng hoảng. Thế nhưng, hai nhà lãnh đạo quân sự này đang bị giam giữ tại DaLat sau ngày đảo chánh 22 tháng 1 năm 1964 mà trung tướng Nguyễn Khánh đã tổ chức. Ngày 23 tháng 9 năm 1964, tướng Richard Depuy, tư lệnh của “Opération Switchback” trên Cao Nguyên, đến Ban Mê Thuột để xem xét sự diễn biến ở Buôn Sarpa. Theo Richard Depuy, tình hình vẫn còn lối thoát, bởi vì đại tá Lès Kosem và Y Bham Enoul vẫn nghiêng về giải pháp thương thuyết.
Dựa vào phân tích của chuyên viên Mỹ đặc trách về chính trị, Richard Dupuy đưa ra giải pháp, trước khi tổ chức một cuộc thương thuyết với Fulro, mặt trận này phải chấp nhận một điều tiên quyết là cho phép đại tá Freund hiện đang giam giữ ở Buôn Sarpa được quyền tiếp xúc bằng điện thoại với nhà lãnh đạo quân đội Mỹ ở Ban Mê Thuột và chấp nhận một tù binh Mỹ trở về Ban Mê Thuột bằng máy bay trực thăng nhằm chứng minh là Đại tá Freund vẫn còn sống.
Theo tài liệu Fulro, Lès Kosem đồng ý chỉ thả những tù binh Mỹ khi nào quân đội Hoa Kỳ chấp nhận cho lực lượng Fulro có mặt tại Việt Nam được quyền thành lập “khu quân sự bất khả xâm phạm” (zône militaires exclusives) và tiếp tế lương thực và súng đạn cho mặt trận Fulro. Tướng Richard Dupuy chấp nhận đề nghị ấy.
Hình 5. Bản đồ Sarpa - bản đồ tổng quát khu vực 3 biên giới. Ảnh: Sưu tầm.
Ngày 24 tháng 9 năm 1964, thủ tướng Nguyễn Khánh đi Pleiku để thảo luận với các vị chỉ huy quân đoàn II về tình hình Cao Nguyên. Ngay lúc đến nơi, Nguyễn Khánh liền tuyên bố sự hiện diện của ông ta tại Pleiku là sự kiên nhẫn và thái độ ôn hòa của ông đối với những người “Thượng phản động”. Nguyễn Khánh nói thêm là thể theo lời đề nghị của đại tá Lès Kosem ngày 22 tháng 9 năm 1964, Nguyễn Khánh sẵn sàng cho phép tướng Lê Văn Kim và Tôn Thất Đính sẽ đến Ban Mê Thuột ngay chiều cùng ngày để đàm phán với Fulro.
Chiều 24 tháng 9 năm 1964, tướng Richard Dupuy gặp hai tướng lãnh Việt Nam là Lê Văn Kim và Tôn Thất Đính vừa từ DaLat đến. Trong cuộc gặp gỡ, cả ba tướng lãnh quyết định đề nghị với chính phủ Sài Gòn tổ chức một hội nghị tập trung đại diện của mỗi sắc tộc và những đại biểu Fulro nhằm nghiên cứu những nguyện vọng thật sự của các dân tộc thiểu số ở miền trung Việt Nam. Trong trường hợp mà mặt trận Fulro từ khước không tham dự hội nghị, chính quyền Sài Gòn sẽ có những biện pháp để đàn áp nhóm phản động. Sau phiên họp với tướng Richard Dupuy, tướng Lê Văn Kim điện thoại cho thủ tướng Nguyễn Khánh ở DaLat để tường trình lại lời đề nghị. Nguyễn Khánh đồng ý sẽ tổ chức một hội nghị các sắc dân thiểu số nhưng ngày tháng chưa quyết định.
Theo công văn ngày 26 thang 9 năm 1964 gởi đến thủ tướng Nguyễn Khánh, Y Bham Enoul phản đối sự im lặng của chính quyền Sài Gòn về những yêu sách của Mặt Trận Giải Phóng Champa-Fulro đã đưa ra ngày 20 tháng 9 năm 1964 cũng như dự án tổ chức một hội nghị dân tộc thiểu số. Y Bham Enoul nói thêm rằng Mặt Trận Giải Phóng Champa-Fulro sẽ tham dự hội nghị đó với điều kiện là những cư dân người Kinh phải rời khỏi khu vực Cao Nguyên.
Cùng ngày 26 tháng 9 năm 1964, tướng Lê Văn Kim từ chức khỏi ủy ban đặc trách thương thuyết với Fulro mà không đưa ra một lời giải thích. Sau đó, thủ tướng Nguyễn Khánh đáp máy bay đến Ban Mê Thuột. Ngay lúc đến, Nguyễn Khánh bác bỏ kế hoạch giải phóng tù binh Mỹ mà tướng Richard Dupuy đã đề nghị ngày 23 tháng 9 năm 1964. Nguyễn Khánh khẳng định chính quyền Việt Nam sẽ sử dụng vũ lực để trấn áp nhóm phản động Fulro và không bao giờ triệu tập hội nghị dân tộc thiểu số mà người Mỹ mong muốn. Nguyễn Khánh cũng nhắc lại rằng chính quyền Sài Gòn không bao giờ nhượng bộ Fulro nếu tổ chức này không trao trả tù binh Việt Nam và Mỹ bị bắt ở Buôn Sarpa.
Ngày 26 tháng 9 năm 1964, đại tá Les Kosem có tiếp xúc với đại tá John Freund, tù binh Mỹ tại Buôn Sarpa và cho phép ông ta liên lạc bằng điện thoại, vào buổi chiều cùng ngày, tướng Richard Dupuy báo tin là ông ta vẫn khỏe nhưng rất lo âu về số phận của những lính Mỹ khác bị Fulro bắt giam sau khi Nguyễn Khánh hăm dọa sẽ tấn công trại Fulro. Lúc 9 gờ sáng ngày 27 tháng 9 năm 1964. Les Kosem cho biết, điều kiện thả tù binh Mỹ hoàn toàn tùy thuộc vào một điểm cốt yếu đó là quân đội Mỹ phải chấp thuận để cho Fulro thành lập “khu quân sự bất khả xâm phạm” (zône militaires exclusives) trên lãnh thổ Việt Nam.
Sau khi nhận được thông tin từ Đại tá John Freund, tướng Richard Dupuy rất bực tức về sự hăm dọa của thủ tướng Nguyễn Khánh và bày tỏ sự chống đối của ông ta trong việc sử dụng giải pháp quân sự chống lại Fulro tại Buôn Sarpa. Theo tướng Richard Dupuy, một hành động như vậy sẽ gây nguy cho sự sống còn của tù binh Mỹ trong trại, vì Fulro sẽ không lùi bước trước vũ lực. Nhưng tướng Richard Dupuy vẫn còn phân vân có chăng sự hăm dọa của thủ tướng Nguyễn Khánh chỉ là một chiến lược nhằm ngăn chặn sự nhúng tay của quân đội Mỹ trong tổ chức của Fulro.
Ngày 27 tháng 9 năm 1964, tướng Richard Dupuy đề nghị kế hoạch giải phóng tù binh Mỹ. Richard Dupuy quyết định đích thân đến Buôn Sarpa để giải quyết trực tiếp cuộc khủng hoảng này. Richard Dupuy báo tin cho thủ tướng Nguyễn Khánh biết sự việc trên và được thủ tướng đồng thuận. Phía đại tá Lès Kosem, ông ta rất ủng hộ sự có mặt của tướng Richard Dupuy ở Buôn Sarpa để tạo thuận lợi cho sự đàm phán.
Đúng 7 giờ 46, ngày 27 tháng 9 năm 1964, trực thăng của tướng Richard Dupuy và thiếu tá Touprong Ya Ba (Churu), hạ cánh tại Buôn Sarpa. Ngay khi đến nơi, tướng Richard Dupuy tuyên bố là quân đội Mỹ hứa sẽ làm tất cả những gì trong khả năng và thẩm quyền của họ để giải quyết các yêu sách của Fulro và cố gắng thuyết phục chính quyền Sài Gòn chấp nhận giải quyết những yêu sách đó bằng con đường thương thuyết.
Theo tài liệu Fulro, tướng Richard Dupuy nói với Lès Kosem rằng ông ta sẽ quan tâm đến những yêu sách mà dân tộc thiểu số ở miền trung Việt Nam đã đưa ra và nhất là tạo điều kiện để hình thành “khu quân sự bất khả xâm phạm” (zône militaires exclusives) cho lực lượng Fulro tại Việt Nam.
Dựa trên lời hứa của tướng Richard Dupuy (người Mỹ), Lès Kosem ra lệnh cho Y Dhơn Adrơng trả tự do cho tất cả tù binh lính Sài Gòn và Mỹ.
Cùng ngày lực lượng Fulro thuộc Mặt trận Giải phóng Champa-Fulro rút quân khoảng trên 2.000 người ra khỏi đồn Sarpa và các đồn khác để di chuyển về tổng hành dinh Fulro (P.C) ở Mondulkiri, Kampuchea.
Hiệu kỳ “Mặt trận Giải phóng Champa”: Do những người lãnh đạo Fulro, phái đoàn Bajaraka (Bahnar, Jarai, Rhade, Kaho), Y Bham Enoul, thiếu tướng Les Kosem người Khmer vẽ ra lá cờ. Đây là Hiệu kỳ Hồi giáo Champa.
Hình 6. Hiệu kỳ “Mặt trận Giải phóng Champa” (1962 - 1975). Tiếng Pháp (Front pour la libération du Champa; viết tắt FLC), là một tổ chức hoạt động tại tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận và Tây Nguyên Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Y Bham Enoul và Les Kosem. Ảnh: Fulro.
Ý Nghĩa: Hiệu kỳ Champa (tiếng Chăm: Dok Champa), gồm 9 sọc đỏ và trắng xen kẽ nhau nằm ngang đại diện cho tư cách bình đẳng và bên trái có một hình chữ nhật màu trắng xanh mang trăng lưỡi liềm (Aia Bulan) và ngôi sao 5 cánh (Batuk). Ngôi sao 5 cánh đại diện cho sự thống nhất giữa các tiểu bang như Indrapura, Amaravati, Vijaya, authara và Panduranga. Lưỡi liềm đại diện cho Hồi giáo là quốc giáo của Champa; nền xanh da trời tượng trưng cho sự thống nhất của nhân dân Champa; ngôi sao và lưỡi liềm trước đó màu vàng là màu hoàng gia Champa, nhưng nay Champa không còn vua nên đổi thành màu trắng (Quốc gia Hồi giáo không còn vương).
Link: Liên kết
1. Kỷ niệm 66 năm Ngô Đình Diệm đàn áp BAJARAKA: (8/9/1958 - 8/9/2024)
2. Y Bham Enoul - Lãnh tụ mặt trận FLC Giải phóng Cao Nguyên …
3. Vì sao FULRO mang tên “Mặt trận giải phóng Champa” và hiệu kỳ Hồi giáo
4. Quá trình hình thành hiệu kỳ Fulro và Champa
===================================
NGÀY QUỐC KHÁNH CHAMPA
hr] b-S\ c.f\ - Harei Bangsa Campa
Ngày Quốc Khánh (Chamic: “Harei Bangsa”; Malaymic: “Hari Kebangsaan” atau “Hari Merdeka”) là ngày đánh dấu một sự kiện lịch sử, chính trị của Mặt trận Giải phóng Champa-Fulro đánh chiếm và làm chủ thành phố Ban Mê Thuột-Daklak.
Ngày Quốc Khánh Champa, tiếng Chamic: “Harei Bangsa Champa”, nhằm ngày 20/9/1964. Bản “Tuyên ngôn” chính thức được ba vị lãnh đạo FULRO ký tên:
- Thiếu tướng Châu Dara, nhân danh dân tộc Khmer Krom (Khmer Hạ),
- Chủ tịch Y Bham Enoul, nhân danh dân tộc Tây Nguyên (Degar-Vijaya),
- Thiếu tướng Lès Kosem, nhân danh dân tộc Chăm (Panduranga và Kampong Cham).
Chủ tịch Y Dhon Adrong (Chủ tịch chủ trương độc lập Champa) đọc bản “Tuyên ngôn” giải phóng Champa và Kampuchea Krom ra khỏi ách thống trị của Việt Nam tại Đài Phát Thanh thành phố Ban Mê Thuột-Daklak vào ngày 20/9/1964.
Bản tuyên ngôn đề cặp đến danh xưng Cộng hòa Champa” và “Cộng hòa Khmer Krom” được trịnh trọng tuyên bố tại Đài Phát Thanh Ban Mê Thuột trước toàn thế giới, Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa, và Quân đội Hoa Kỳ tại Việt Nam.
===================================