Theo sử liệu Trung Hoa, Islam du nhập Champa vào khoảng thế kỷ 10. Trong Tống sử có thuật lại, khi tế trâu ở Champa họ có đọc câu thiên kinh “Allahu Akbar”, nghĩa Allah là đấng tối cao và duy nhất. Dựa vào tư liệu trên có thể nhận định Hồi giáo đã du nhập vào Champa từ thế kỷ 10 (Maspero, 1928, p.13-14).
Theo biên niên sử Champa Sakkarai dak rai patao, thời kỳ huyền sử mà biên niên sử gọi là patao jiéng éng hay patao éngkat “vua tự sinh ra” gồm 5 vị vua, trong đó có vua Po Aluah, lên ngôi năm 995 đóng đô ở Bal Sri Banây (Nại, Ninh Chữ, Phan Rang), sau đó ngài trở về thế giới linh thiên (nao meng rup). Dựa vào sử liệu này có thể nhận định Hồi giáo đã du nhập vào Champa từ thế kỷ thứ 10 (Aymonier, 1890, p.145-206).
1. Vua Harivarman II, khởi đầu triều vương thứ bảy (991-1044): Vijaya-Champa
Harivarman II (Dịch-lợi Băng-vương-la), trị vì (988-997), tên bính âm: Yángtuópái. Là vị vua Champa (Raja-di-raja). Sinh ra tại Indrapura và qua đời năm 997 tại Indrapura. Tước hiệu: Sri Harivarmadeva. Vị vua ảnh hưởng tôn giáo Islam.
Từ năm 983 đến năm 988, ngai vàng của quyền lực thuộc về Công quốc Indrapura, đã bị Lưu Kế Tông, một tướng người Việt soán ngôi lợi dụng tình trạng bất ổn ở Indrapura.Lưu Kế Tông là một vị vua bạo chúa, dưới sự cai trị của ông, nhiều người đã trốn khỏi đất nước đến đảo Hải Nam và Quảng Châu, như ghi chép của các triều đại Trung Quốc.
Sau ngày từ trần của Lưu Kỳ Tông vào năm 989, Harivarman II, dời thủ đô Champa về Indrapura.
Tháng 12 năm 990, vua Harivarman II đã cử một phái đoàn ngoại giao người do Lǐ Zhēn (Ali Zain) và Pú Hēsǎn (Abu Hassan) đến triều đình nhà Tống, thông báo về người cai trị mới của Indrapura và dâng lễ vật cống nạp.
Năm 990, một người Việt tên Dương Tiến Lộc, làm quan quản giáp đi thu thuế tại châu Ái và châu Hoan (Thanh Hóa, Nghệ An), hô hào người Kinh và người Champa nổi lên chống lại nhà Lê. Dương Tiến Lộc có yêu cầu Harivarman II giúp đỡ nhưng bị từ chối. Hay tin phản loạn, Lê Đại Hành liền mang quân vào đánh dẹp, Dương Tiến Lộc cùng những người phản loạn bị giết chết, hơn 360 tù binh Champa bị bắt mang về miền Bắc.
Năm 991, Harivarman II cho xây dựng lại ngôi đền Isanabhadresvara tại Mỹ Sơn. Năm 992, quan hệ giữa nhà Lê và vương triều Vijaya trở nên bình thường, để tỏ lòng biết ơn Harivarman II từ chối không ủng hộ cuộc phản loạn của Dương Tiến Lộc, Lê Đại Hành trả tự do cho hơn 300 tù binh Champa về nước.
Ranh giới phân chia Đại Cồ Việt và Champa trong giai đoạn này được xác định tại đèo Ngang, tức địa phận Di Luân, gần cửa sông Gianh (Quảng Bình). Cùng thời gian này, quan hệ giữa Champa và Trung Hoa trở nên bình thường, Harivarman II được nhà Tống công nhận, hai bên trao đổi nhiều phẩm vật quí giá. Nhân dịp này Harivarman II yêu cầu vua Tống giao trả những người Champa tị nạn tại Quảng Châu trước đó (986-988) về lại Champa.
Mối giao hảo thân thiết giữa Champa và Trung Hoa không làm vua Lê hài lòng. Năm 994, Lê Đại Hành cho người vào Vijaya yêu cầu Harivarman II triều cống nhưng bị từ chối, vua Lê liền cất quân sang đánh. Quân Champa tuy có đẩy lui được cuộc xâm lược nhưng hao tổn cũng khá nhiều, Harivarman II chấp nhận sẽ triều cống trở lại. Nhưng Lê Đại Hành yêu cầu phải triều cống tức khắc và buộc Harivarman II phải đích thân sang bái kiến mới vừa lòng. Vua Champa liền sai một thân tín tên Chế Đông sang thay mặt, Lê Đại Hành trách là vô lễ; Harivarman II phải sai cháu là Chế Cai sang chầu và hứa sẽ không quấy phá vùng biên giới nữa mọi việc mới yên.
Theo Maspero, năm 995 và 997 vua Lê Hoàn đã phàn nàn với triều đình nhà Tống về các cuộc đột kích của người Champa vào lãnh thổ Hoàn và Ái (Thanh Hóa và Nghệ An).
Trong khoảng thời gian đó từ cuối thế kỷ 10 đầu thế kỷ 11 sau Công nguyên, hầu hết bằng chứng văn bản ở Champa đã bị phá hủy và hư hại do chiến tranh liên miên và suy thoái, dẫn đến thiếu chữ khắc, một số khoảng trống lớn về niên đại (965-991, 991-1008, 1013-1050) và khiến cho lịch sử Champa thời kỳ này bị lu mờ trong quên lãng.
Sau khi vua Harivarman II băng hà vào năm 997, vị tân vương Champa là Yang Po Ku Vijaya Sri (998-1006) đã dời thủ đô từ Indrapura về thành Đồ Bàn ở Vijaya-Degar vào năm 1000. Từ đó, Vijaya trở thành trung tâm chính trị của Champa, và chịu nhiều sức ép của dân tộc Việt, tức là một sự thoái lui dần dần về phương nam cho đến lúc vương quốc này cáo chung vào 800 năm sau.
2. Vua Po Allah (Yang Puku Vijaya Sri): vua Islam đầu tiên trong lịch sử Champa
Yang Puku Vijaya Sri (Thất-ly Bì-xà-da-bạt-ma), trị vì (998-1006).
Năm 997, vua Harivarman II mất, con trai là Po Allah (Po Aullah hay Aullah) là một tín đồ Islam (Hồi giáo) trung kiên đã từng sang Mecca (La Mecque) hành hương lên thay, tên hiệu: Yang Puku Vijaya (Dương-phổ-cu Bi-trà-xá-lợi).
Triều vương Po Allah, trung tâm quyền lực được đặt tại Vijaya (Đồ Bàn hay Chà Bàn nay Qui Nhơn). Toàn bộ vương tộc tại Indrapura (Đồng Dương) được đưa về Sri Bini (Qui Nhơn) định cư, vì địa khu Vijaya thuận lợi hơn và ít bị uy hiếp hơn khi có chiến tranh.
Vua Po Allah (Yang Puku Vijaya Sri) là vị vua Champa đầu tiên theo tôn giáo Islam và đã từng sang Mecca hành hương. Vua Po Allah (Yang Puku Vijaya Sri) cũng là vị vua Champa đầu tiên dời trung tâm quyền lực từ Indrapura (Đồng Dương) về đặt tại Vijaya (Quy Nhơn).
Yang Puku Vijaya Sri, có nghĩa là: “yang” (nghĩa là: thần, tuhan); “Puku” (còn gọi: Poku, vua của tôi, ngài đáng kính của tôi); Vijaya (chiến thắng, thắng lợi là tên của Công quốc); Sri (श्री, nghĩa là "Đấng thánh").
Po Aluah (Yang Puku Vijaya Sri) vị vua Islam Champa đầu tiên đặt quyền lực tại Vijaya và nhiều lần bình ổn xứ Panduranga. Chính vua Po Allah mà tác giả Ts.Po Dharma tuyên bố là patao jiéng éng hay patao éngkat “vua tự sinh ra”, lên ngôi năm 995 (thế kỷ 10) đóng đô ở Bal Sri Banây (Nại, Ninh Chữ, Phan Rang), sau đó ngài trở về thế giới linh thiên (nao meng rup). Điều này khẳng định Po Aluah mà Ts.Po Dharma tuyên bố “vua tự sinh ra” ở Panduranga, chính là Po Allah (Yang Puku Vijaya Sri) vị vua Islam Champa đầu tiên tại Vijaya thuộc triều vương thứ bảy (991-1044): Vijaya-Chiêm Thành (Champa).
Dưới thời Yang Puku Vijaya Sri (Po Allah), đạo Islam cùng với đạo Hinduism phát triển mạnh mẽ. Tân vương tổ chức lại quân đội và cử nhiều phái đoàn sang Trung Hoa thông sứ với hy vọng được nhà Tống bảo vệ khi bị Đại Cồ Việt tấn công.
Năm 1005, hay tin Lê Đại Hành mất, Yang Puku Vijaya mang quân tấn công Đại Cồ Việt, lúc đó do Lê Long Đĩnh (1005-1009) cai trị. Hai bên giữ thế giằng co, bất phân thắng bại trong 40 năm (1005-1044).
Sau cuộc băng hà của Yang Po Ku Vijaya Sri vào năm 1006, các tư liệu có nói đến bốn đời vua kế tiếp lên nắm chính quyền đều gửi phái đoàn ngoại giao thường xuyên sang Trung Hoa để xin hậu thuẫn.
Hình 1. Po Allah (Yang Po Ku Vijaya Sri), vị vua Islam đầu tiên của triều vương Champa. Ảnh: Minh họa.
LINK: Liên kết
1. Triều đại vua Indravarman III (918-960): Islam chính thức gia nhập hoàng gia Champa 2. Po Allah (Yang Puku Vijaya Sri): vị vua Islam đầu tiên của Champa 3. Ts.Po Dharma: Nghiên cứu sai lầm Po Awluah và Po Klong Garai là vị vua huyền sử (vua tự sinh) 4. Ts.Po Dharma: Nghiên cứu trong Biên Niên Sử Champa bị thiếu nhân vật Po Chongchan 5. Thần dân Champa không theo Buddhism (Phật giáo) 6. Lê Ðại Hành (Lê Hoàn) vua Đại Cồ Việt lần đầu tiên xâm chiếm Champa